'Chuyến bay không điểm đến': Xu hướng hàng không mới gây tranh cãi

Giao thông toàn cầu 20/04/2021 09:26

Giống như nhiều ngành khác, Covid-19 buộc du lịch phải tự tìm cách thích ứng. Đối phó với tình trạng nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, các hãng hàng không đã tung ra một loại hình chuyến bay mới - chuyến bay không điểm đến.

5fdd2037d366e60018099103
Chuyến bay không điểm đến của hãng Qantas

Mục đích của những chuyến bay này là để phục vụ hành khách tham quan, ngắm cảnh với toàn bộ trải nghiệm như một chuyến bay bình thường, chỉ khác là điểm đến cũng chính là điểm xuất phát.

Tưởng chừng sẽ "ế chỏng gọng" nhưng đáng kinh ngạc là những chuyến bay này lại bán chạy "như tôm tươi". Tháng 9/2020, một chuyến bay ngắm cảnh vòng quanh nước Úc của Qantas Airlines đã bán hết sạch vé chỉ trong 10 phút, trở thành một trong những chuyến bay bán chạy nhất lịch sử của hãng. Trước đó, vào tháng 8, hơn 50.000 người đã đặt chỗ trên chuyến bay có chủ đề Hawaii của hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways. 300 chỗ trên chuyến bay chủ đề Hello Kitty của hãng EVA Air Đài Loan cũng nhanh chóng được tẩu tán ngay khi vừa tung ra. Hãng hàng không Royal Brunei cũng đã ra mắt trải nghiệm "Ăn tối và Bay" để hành khách được thưởng thức những bữa ăn địa phương trong khi bay vòng quanh đất nước trên chuyến bay kéo dài 85 phút.

Trả lời Insider, đại diện EVA Air cho biết, các chuyến bay không điểm đến giúp máy bay được duy trì vận hành trong khi phi công và tiếp viên hàng không được trau dồi kĩ năng thường xuyên hơn, tránh lụi nghề. Nhiều hành khách của hãng chia sẻ rằng họ chọn chuyến bay này vì nhớ cảm giác được đi đây đi đó hay thèm đồ ăn nhẹ trên máy bay; một số muốn hỗ trợ ngành hàng không trong giai đoạn khó khăn trong khi số khác lại muốn ngắm nhìn quê hương từ một góc nhìn mới.

Mặc dù vậy, hình thức bay này cũng vấp phải những phản đối do lo ngại về những nguy cơ gây lây lan Covid-19 hoặc lãng phí tài nguyên môi trường. Theo thống kê của ATAG, lượng khí thải CO2 do ngành hàng không thải ra năm 2019 đạt 915 triệu tấn, tương đương với lượng khí thải của Đức và Hà Lan cộng lại. Nhìn chung, ngành hàng không chiếm khoảng 2,4% lượng khí thải CO2 của thế giới và chịu trách nhiệm khoảng 5% biến đổi khí hậu.

Trả lời về những lo ngại này, người phát ngôn của Qantas cho biết, chuyến bay ngắm cảnh hoạt động với lượng khí thải thuần bằng không. Đại diện Eva Air thì cho hay, hãng đã sử dụng một loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, nhiều nhóm bảo vệ môi trường cho rằng tốt hơn hết là không nên thực hiện những chuyến bay không mục đích bởi việc cắt giảm các chuyến bay là một trong những hành động đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Ý kiến của bạn

Bình luận