Chuyển biến tích cực sau 3 năm thực hiện Luật Đường sắt

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/04/2022 07:14

Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đường sắt 2017, công tác đảm bảo ATGT đường sắt đã cho thấy nhiều chuyển biến tích cực.

Ngành Đường sắt đã xoá bỏ 464 lối đi tự mở; số vụ TNGT đường sắt đã giảm rõ rệt, năm sau thấp hơn năm trước trên cả 3 tiêu chí (Ảnh minh hoạ)

Ngành Đường sắt đã xoá bỏ 464 lối đi tự mở; số vụ TNGT đường sắt đã giảm rõ rệt, năm sau thấp hơn năm trước trên cả 3 tiêu chí (Ảnh minh hoạ)

Xoá bỏ hơn 460 lối đi tự mở

Theo đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), trật tự hành lang ATGT Đường sắt trong hơn 3 năm qua tiếp tục được duy trì và cải thiện. Ngoài việc thực hiện trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) mà pháp luật đã quy định, Bộ GTVT, Cục ĐSVN đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc đảm bảo ATGTĐS tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt thực hiện nghiêm biện pháp đảm bảo ATGTĐS thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Bộ GTVT, Cục ĐSVN đã chủ trì phối hợp với các cấp chính quyền địa phương rà soát lối đi tự mở và quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nên thời gian qua tình hình ATGTĐS đã có chuyển biến tích cực. 

464 lối đi tự mở đã được xoá bỏ; số vụ TNGT đường sắt đã giảm rõ rệt, năm sau thấp hơn năm trước trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Cụ thể: Năm 2019, giảm 24 vụ (8,66%), giảm 13 người chết (10,4%); tăng 13 người bị thương (13%) so với năm 2018. Năm 2020, giảm 66 vụ (8,66%), giảm 40 người chết (35,71%) và 66 người bị thương (46,48%) so với năm 2019. Năm 2021, giảm 38 vụ (20,32%), giảm 5 người chết (6,94%) và 7 người bị thương (9,21%) so với năm 2020.

“TNGT sắt chủ yếu xảy ra tại các đường ngang và lối đi tự mở, chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn, còn lại xảy ra dọc tuyến đường sắt do chủ quan của con người, vi phạm khổ giới hạn”, Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Dù tình hình TNGT có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiện tượng lấn chiếm đất dành cho đường sắt vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, nơi đông dân cư sinh sống hai bên đường sắt. Thực tế còn có những tình trạng cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Mặt khác, do lịch sử để lại, tình trạng đất dành cho đường sắt bị xâm lấn tại các ga đường sắt; hành lang ATGTĐS, các đường gom dọc tuyến (như tại khu vực ga Lào Cai, ga Sóng Thần, ga Đà Lạt…) vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.

Theo thống kê của Tổng công ty ĐSVN, hiện vẫn tồn tại 11.463 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt và 5.783 vị trí vi phạm công trình thông tin tín hiệu. Trong đó, có gần 1.600 vị trí tiềm ẩn TNGT đường sắt cần được giải tỏa.

Cần hơn 4.200 tỷ để xây dựng đường gom

Do lịch sử để lại, tại các khu vực khu vực đông dân cư, khu đô thị lớn đều tồn tại các đường gom nằm trong phạm vi HLATGTĐS, không phù hợp với quy định của Luật Đường sắt hiện hành. Các đường gom này hình thành trước khi Luật Đường sắt 2017 ban hành.

Theo Đề án 358, từ nay đến 2025 cần phải xây dựng 675,63 km đường gom trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua với tổng kinh phí dự kiến là 4.285 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương hoặc Trung ương bố trí cho địa phương theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó kinh phí đền bù, GPMB để xây dựng đường gom ngoài phạm vi HLATGTĐS dự kiến 1.351 tỷ đồng. 

Mục tiêu xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt nhằm bảo đảm ATGTĐS, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông, đồng thời có khoảng trống phục vụ công tác thi công đường sắt và an toàn chạy tàu.

Hiện nay, công tác xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt để xóa bỏ lối  đi  tự mở đang được các cấp chính quyền địa phương triển khai xây dựng. Phần lớn các đường gom xây dựng mới, cải tạo qua các khu vực đặc biệt như khu vực đông dân cư, khu đô thị lớn đều gặp khó khăn về kinh phí đền bù GPMB do phải xây dựng các đường gom này bên ngoài HLATGTĐS theo quy định của Luật Đường sắt. Để xây dựng đường gom nằm ngoài phạm vi HLATGTĐS thì khối lượng đền bù, GPMB rất lớn.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương xây dựng 17,7 km (11 đoạn đường gom) trong phạm vi HLATGTĐS trên địa bàn một số tỉnh, thành phố Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Yên, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng,…để giải quyết những khó khăn về kinh phí đền bù, GPMB của địa phương. 

Do đó, Cục ĐSVN kiến nghị cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định về xây dựng đường gom của Luật Đường sắt theo hướng:

Tại những vị trí xây dựng đường gom mà khối lượng đền bù, GPMB không nhiều và có khả năng thực hiện được theo nguồn vốn bố trí của dự án: dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ mà phải xây dựng dọc hai bên đường sắt, Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xây dựng các đường gom ngoài phạm vi HLATGTĐS.

Đối với những vị trí xây dựng đường gom tại các khu vực đặc biệt qua các khu đông dân cư, khó thực hiện đền bù, GPMB, do kinh phí đền bù, GPMB hạn chế, Luật giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định cho phép xây dựng đường gom nằm trong phạm vi HLATGTĐS kết hợp biện pháp bảo đảm ATGTĐS phù hợp với nguồn kinh phí được bố trí. Về lâu dài các đường gom này sẽ được đưa ra ngoài phạm vi HLATGTĐS khi điều kiện kinh phí cho phép.

Với quy định như trên, việc cho phép xây dựng đường gom trong phạm vi HLATGTĐS kết hợp các biện pháp đảm bảo ATGTĐS như hàng rào ngăn cách sẽ tạo ra hướng mở linh hoạt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đường sắt khi xây dựng đường gom, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 358 và vẫn đảm bảo mục tiêu ATGTĐS, an toàn công trình đường sắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận