Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Mục tiêu của chuyển đổi số là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.
Chia sẻ về câu chuyện chuyển mình trong công cuộc chuyển đổi số, ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) nhấn mạnh, sau 7 năm triển khai, ETC hiện đang chiếm thị phần top đầu với số lượng trạm thu phí lên đến 112 trạm, chủ yếu trên các cao tốc và QL1, với 80% lưu lượng ETC qua trạm thu phí, lưu lượng giao dịch ETC từ 1,3 - 1,5 triệu giao dịch mỗi ngày. Hiện nay, số lượng xe dán thẻ ETC đã đạt khoảng 4 triệu xe trong phạm vi cả nước.
"VETC mong muốn mang đến thêm lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng, đa dạng hóa hệ sinh thái số của VETC, không chỉ mang đến hình thức thanh toán thuận tiện, an toàn cho người dùng mà còn thúc đẩy xu hướng số hóa trong giao dịch. Hệ sinh thái VETC đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC. Mỗi cá nhân có thể sở hữu 1 ví điện tử trực tiếp. Bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, sân bay, giao thông thông minh trong tương lai gần và dịch vụ trung gian thanh toán cho tiêu dùng khác", ông Vinh khẳng định.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết: "Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền thống sang phương thức số, qua đó giúp quản lý hoạt động của doanh nghiệp trong Ngành. Mặt khác, khi lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án thì năng lực, chất lượng của đơn vị được số hóa qua hệ thống dữ liệu, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong công tác thẩm định và đánh giá".
Mới đây, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Truyền thông số Việt Nam trao "cú đúp" Giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc năm 2022 gồm: "Cặp bài toán và giải pháp chuyển đổi số cho bộ, ngành xuất sắc nhất" do đã đưa ra được bài toán cảng biển số (VSL) và Công ty Smarthub Logistics Technology là đơn vị giải bài toán này. Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) là một trong 7 cơ quan nhà nước được bình chọn đã có thành tựu chuyển đổi số xuất sắc năm 2021.
Đến nay, VSL đã triển khai thành công tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương; kết nối 126 hãng tàu, 280 đơn vị vận tải, 12 nghìn đầu kéo. Chỉ mất 2 phút cho 1 giao dịch trực tuyến, VSL giảm 20% chi phí vận tải, 90% chi phí nhân sự thực hiện các thủ tục.
Hạng mục thứ hai mà Trung tâm Công nghệ thông tin giành được là "Giải pháp Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ". Hệ thống gồm 3 dịch vụ công: Cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; Cấp, đổi biển hiệu phù hiệu xe ô tô và Đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định. Đến nay, Hệ thống đã tiếp nhận 1.110.785 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 80% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận cả trực tuyến và trực tiếp. Hệ thống hiện có 51.652 tài khoản sử dụng, quản lý 27.590 đơn vị kinh doanh vận tải, hơn 1,8 triệu phương tiện và gần 12 nghìn tuyến vận tải hành khách cố định.
Chuyển đổi số xây nền hạ tầng giao thông hiện đại
Chương trình Chuyển đổi số của Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: "GTVT là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của Ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT phục vụ nhân dân".
Theo đó, Bộ GTVT sẽ tập trung vào Chính phủ số, kinh tế số và sẽ triển khai theo hướng chiến lược ngành, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện; hướng tới số hóa từ Trung ương đến địa phương, từ bảo trì đến duy tu, đăng kiểm, đào tạo sát hạch, thu phí không dừng...
Đồng thời, Chương trình sẽ bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số; thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu...
Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Theo ông Lê Thanh Tùng, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong Ngành phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp như thước đo cho mọi hoạt động.
"Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành GTVT đã và đang tập trung xây dựng các bộ chỉ số định lượng để có thể đo đếm được hiệu quả thay vì chỉ nâng cao, đẩy mạnh và tăng cường. Đồng thời, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuyển đổi số phải trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động của Bộ GTVT. Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình cụ thể để Việt Nam trở thành một quốc gia có hạ tầng giao thông hiện đại so với các nước trong khu vực và trên thế giới", ông Tùng nêu mục tiêu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.