Chuyên gia đề xuất nâng cấp ngay cảng Hồng Vân

Tác giả: Quang Thành

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 21/02/2022 18:56

TS.Nguyễn Danh Hải cho rằng, việc quan trọng nhất bây giờ là cần khẩn trương khắc phục sự cố và sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cảng Hồng Vân.

cang hong van
TS.Nguyễn Danh Hải - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam (bên phải) xuống hiện trường Cảng Hồng Vân sau khi sự cố sụt lún xảy ra

Liên quan đến vụ việc cảng Hồng Vân (Thường Tín, TP.Hà Nội) bất ngờ sạt lở xuống sông Hồng hôm 13/1, PV Tạp chí Giao thông vận tải đã trao đổi với  TS.Nguyễn Danh Hải - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam để làm rõ những vấn đề về chuyên môn kỹ thuật công trình.

Theo TS.Nguyễn Danh Hải, cảng Hồng Vân được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách quy hoạch chiến lược phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa, cảng cạn, trung tâm logiccstics (mô hình cảng kiểu mẫu quốc gia) trên cả nước đến năm 2030.

“Với kỳ vọng lớn như vậy trong khi chỉ còn 8 năm nữa cảng Hồng Vân phải đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ gấp nhiều lần theo hướng công nghệ mới, công trình phải hiện đại, vĩnh cửu chứ không thể đầu tư mở rộng trên cơ sở tận dụng những công trình cũ đã hết khấu hao”, ông Hải chia sẻ.

Trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra vào cuối tuần trước, ông Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự việc Cảng Hồng Vân sạt lở xuống sông Hồng hôm 13/1. Đầu tiên, Cảng Hồng Vân được đầu tư xây dựng từ quá lâu khiến kết cấu công trình bị xuống cấp, hư hỏng.

“Cảng này được đầu tư xây dựng từ năm 1979 cùng thời với các khu tập thể Kim Liên, Giảng Võ. Thời điểm đó, thiết kế công trình sử dụng quy trình của Liên Xô cũ với tải trọng tính toán cho cầu H13, nay theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu tính trọng tải là H30, XB80”, ông Hải nói.

Hơn nữa, Cảng Hồng Vân là công trình giao thông thủy được xây dựng ở khu vực địa chất yếu nên việc tính toán thủy lực, thủy văn luôn là bài toán khó đối với nhà thiết kế. Dẫn lời một viện sĩ nổi tiếng tại Liên Xô: “Tiên lượng về thủy văn chính xác được 50% đã là thành công”, ông Hải cho biết, từ năm 1994, khi còn đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm dự án đường ven sông Sài Gòn (nay là đường Trần Não) rất nhiều chuyên gia tại Thái Lan đã cảnh báo: “Mực nước ngầm ở Thủ đô Băng Cốc đã hạ thấp 3m, thì không bao lâu nữa TP.Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự”.

Theo TS.Nguyễn Danh Hải, các hố tử thần trên đường phố hay nhà cao tầng xây cách đây 20 - 30 năm tự nứt gãy chủ yếu xuất phát nguyên nhân này. “Thủy lực, thủy văn trên sông Hồng biến động mạnh trong thời gian qua do biến đổi khí hậu, nhiều đập thủy điện được xây dựng ở phía thượng nguồn dẫn tới mực nước thay đổi”, ông Hải chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của PV về việc nguyên nhân dẫn tới sự việc Cảng Hồng Vân bị sụp có thể liên quan đến tình trạng khai thác cát quá mức ở khu vực xung quanh khu vực, ông Hải cho rằng: “Để trả lời chính xác câu hỏi cần phải biết rõ từng vị trí cụ thể và có nhiều khảo sát về công trình. Nhưng theo tôi, mực nước sông rất quan trọng đối với sự ổn định của công trình. Khi mực nước sông Hồng cao 1,7m đối với các công trình ven sông (tường chắn, nền đường) hệ số an toàn về ổn định cao hơn rất nhiều so với khi nước bị cạn kiệt vì đây được xem như bệ phản áp bằng nước (không phải bằng đất đắp) chưa kể dưới áp lực đẩy nổi của mô men gây ra trượt cũng bị giảm”.

“Tóm lại, để đánh giá một nguyên nhân sụt trượt trên sông phải xác định rõ địa chất khu vực, thủy văn khu vực, mực nước cao nhất - thấp nhất, các tải trọng tác động,…”, ông Hải nói.

Ông Hải phân tích thêm, trong một công trình có nhiều hạng mục, mỗi hạng mục có tuổi thọ khác nhau: 20 năm, 30 năm, 40 năm, thậm chí 50 năm. Những hạng mục nào tuổi thọ vượt quá quy định phải phá đi làm lại, những hạng mục nào chưa hết hạn cần có giải pháp tận dụng trước mắt.

Chẳng hạn, đối với Cảng Hồng Vân, kè Xâm Thị, chúng ta cần kiểm tra xem cọc đóng trước đây đã đủ chưa hay chưa tới được cung trượt mới. Các giải pháp trước đây đắp đá với nhiều hình khối chỉ thích hợp trong việc chắn sóng nhiều khi lại phản tác dụng với cung trượt do chất tải vào phía tảng mô men lật.

Loại hình này rất hay gặp khi làm đường mới, khi đổ đất đào về phía taluy. Giải pháp này tưởng chừng là ổn định do mở rộng chân đường nhưng gặp mưa bão toàn bộ đoạn đường bị sụt trượt. Hiện tượng này trong giao thông gọi là đường "đeo ba lô". Những công trình được xây dựng đã quá lâu, trong điều kiện tự nhiên có nhiều biến đổi mà không kịp thời kiểm tra, cải tạo, nâng cấp thì kể cả không có tác động gì cũng sẽ xảy ra sự cố.

“Cảng Hồng Vân được xây dựng từ năm 1979 là công trình cũ, được thiết kế với tải trọng nhỏ, trong điều kiện địa hình, thuỷ văn khu vực cảng có nhiều thay đổi, bản thân cảng, kể cả khi không có hoạt động hút cát cũng khó đáp ứng được yêu cầu khai thác ổn định, chưa nói đến càng không đáp ứng được yêu cầu trong tương lai mà Thủ tướng Chính phủ đã hoạch định”, ông Hải chia sẻ thêm.

Cuối cùng, ông Hải cho rằng, việc quan trọng nhất bây giờ là cần khẩn trương khắc phục sự cố đã xảy ra và sớm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cảng Hồng Vân thì mới đảm bảo điều kiện an toàn, ổn định cho các bến còn lại và đáp ứng được nhu cầu khai thác cảng trong giai đoạn tới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rạng sáng ngày 13/1/2022, tại tuyến kè Xâm Thị, trên tuyến đê hữu Hồng thuộc khu vực phạm vi Cảng Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) xảy ra vụ sạt lở. Mức độ sụt lún khoảng 2 - 3,5m so với mặt bằng cầu cảng số 2, chiều dài sụt lún khoảng 40m, chiều rộng 25m tính từ mép ngoài cầu cảng số 2 trở vào bờ; Cầu cảng số 2 có dấu hiệu nghiêng có khả năng sụt đổ gây mất an toàn; một phương tiện thủy bị đắm (phương tiện không có hàng),…

Ý kiến của bạn

Bình luận