Xe tải hoạt động trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng |
Phá vỡ kết cấu hạ tầng
Cách đây hơn một năm, báo chí thường xuyên phản ánh việc nhiều xe tải chở đất thải ở các công trình xây dựng lộng hành trên một số tuyến phố như Minh Khai, Nguyễn Khoái, Khuất Duy Tiến… trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 4 giờ sáng gây nhiều bức xúc trong Nhân dân. Đáng chú ý, hấu hết các xe này đều có dấu hiệu quá tải trọng, ít che chắn, không chỉ kéo theo đất, đá rơi vãi ra đường mà còn làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, trục đường Nguyễn Xiển cũng đã và đang “oằn mình” gánh chịu các xe tải chở vật liệu, đất đá “rồng rắn” kéo nhau vào công trường. Chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần đi qua đây tôi đều phải nín thở, mắt gần như nhắm lại vì bụi. Trời mưa càng ngại hơn vì đường lầy lội, dễ trơn trượt. Kể từ khi các dự án chung cư thi nhau mọc lên ở đây, các xe tải chở vật liệu xây dựng xuất hiện dày đặc”.
Khi mặt đường liên tục phải gánh tải trọng lớn hơn tải trọng thiết kế, kết hợp những thời điểm nhiệt độ cao sẽ dễ phá vỡ kết cấu áo đường, gây hư hỏng. Thực tế cho thấy, trên một số tuyến đường có diễn ra tình trạng xe quá tải, khi trời nắng to, kết hợp mưa rào, mặt đường lập tức bị hằn lún hoặc nặng hơn là vỡ. Ở Việt Nam, những ngày nắng nóng, nhiệt độ mặt đường có thể lên tới trên 50oC. Khi đó, lớp bê tông nhựa làm việc trong điều kiện cực kỳ bất lợi và hư hỏng hoàn toàn có thể xảy ra. Đồng thời với thời tiết diễn biến phức tạp, các xe tải trọng lớn di chuyển thường xuyên khiến mặt đường bị phá vỡ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc các xe tải thải ra tới 1/3 lượng khí gây ô nhiễm tại TP, cùng với lượng khói bụi ô nhiễm tại khác khu vực xây dựng khiến khói mù tại đây tăng lên mức đáng quan ngại.
Nâng trách nhiệm với hạ tầng giao thông
Việc các xe tải liên tục quá tải trọng đã và đang phá hoại nghiêm trọng hạ tầng của Hà Nội. Do đó, việc tính thu thuế các xe tải vào khu vực TP trong thời điểm ban ngày và ban đêm là hợp lý, mức thu tuỳ thuộc theo mức độ về thời gian và tải trọng. Kinh phí từ nguồn thu thuế này dự kiến rất lớn, có thể đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để giải bài toán duy tu hạ tầng cho Hà Nội.
Hiện tại, với chủ xe vượt tải trọng cầu đường trên 100%, mức phạt cao nhất lên tới 36 triệu đồng. Đây được xem như biện pháp mạnh tấn công vào đối tượng lâu nay tác động tiêu cực vào các công trình hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng thanh tra giao thông tiến hành cân tải trọng, rất nhiều xe thông báo cho nhau để né chốt. Sau khi lực lượng thanh tra rời đi, hàng loạt xe lại hoạt động rầm rộ trở lại. Do đó, đối với những xe tải chở vật liệu xây dựng thường xuyên vào các dự án trong khu vực Hà Nội, dù không vượt trọng tải cũng cần phải truy thu mức thuế nhất định. Đồng thời, các DN bất động sản có công trình xây dựng cũng phải chia sẻ kinh phí duy tu, bảo dưỡng các nút giao kết nối các đường lân cận dự án.
Với tình trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay, chủ trương thu thuế các xe tải chạy vào TP là cần thiết. Mô hình này đã áp dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Cụ thể như, xe tải hay xe chở vật liệu ở Mỹ phải tuân theo luật của từng tiểu bang và liên bang để di chuyển xuyên bang. Trung bình một xe nặng 36 tấn, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về việc nộp đơn thuế theo biểu mẫu 2290 (tương đương khoảng 8.959 USD/năm). Bản khai thuế sử dụng xe đường bộ hạng nặng hoặc biểu mẫu 2290 là một thuế tiêu thụ đặc biệt của liên bang. Thuế được thu thập hàng năm và được sử dụng để xây dựng và bảo dưỡng đường các trục đường, đặc biệt là cao tốc. Từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp thu thuế các xe tải hạng nặng cần sớm thực thi để phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.