Lễ Ra mắt Dự án Cảng sông Tri Phương với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, có công suất dự kiến hằng năm đạt 200.000 TEUs phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của 5 tỉnh, thành phố tại miền Bắc |
Theo thông tin Cục Đường thủy nội địa (thuộc Bộ GTVT), ngày 18/4 vừa qua, Dự án Cảng sông Tri Phương đã được ra mắt với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng. Đây là dự án mở rộng, bổ trợ cho Trung tâm Logistics ICD Tiên Sơn (cách 8km) nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói Door – Door (từ cửa đến cửa) cho khách hàng bao gồm: dịch vụ vận tải đa phương thức, kho bãi (ngoại quan, CFS, kho thường), dịch vụ khai báo hải quan.
Công ty cổ phần đầu tư Bắc Kỳ là chủ đầu tư Dự án Cảng container Tri Phương tại xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Dự án tập trung phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của 5 tỉnh, thành phố tại miền Bắc bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội thông qua vận chuyển container bằng đường thủy giữa các tỉnh trên và cảng Hải Phòng. Đây là các tỉnh tập trung nhiều nhà máy sản xuất lớn như Samsung, Foxconn, Toyota, Canon, Honda. Theo thống kê năm 2016, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ 5 tỉnh này chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hóa qua cảng Hải Phòng.
Dự án có quy mô 2,5 ha, sức chứa khoảng 900 TEUs, bốn sà lan trọng tải 120 TEUs, công suất dự kiến hằng năm đạt 200.000 TEUs. Ngoài ra cảng còn có 100 xe đầu kéo trung chuyển hàng hoá từ cảng đi các nơi và ngược lại. Tại cảng cũng có tổ cán bộ hải quan trực tiếp xử lý các khâu thủ tục giấy tờ xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Trần Hiếu - Tổng giám đốc Công ty CPĐT Bắc Kỳ cho biết, Cảng Tri Phương có giá cước cạnh tranh, thấp hơn 20- 25% so với cước vận chuyển bằng đường bộ. Tần suất phục vụ của Cảng là 4 sà lan với 4 chuyến cố định/1 ngày: 2 chuyến Bắc Ninh - Hải Phòng và 2 chuyến Hải Phòng - Bắc Ninh/1 ngày.
Ngay trong những ngày đầu giới thiệu dự án, có ba nhóm khách hàng sẵn sàng sử dụng cảng. |
Cũng theo ông Hiếu, hiện đã có 3 nhóm khách hàng sẵn sàng sử dụng cảng. Các công ty này cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc khai thác vận tải với Công ty CPĐT Bắc Kỳ sau khi cảng Tri Phương đi vào hoạt động, dự kiến là vào cuối tháng 7/2018.
Cảng Tri Phương cho phép khách hàng nhập có thể nhận được hàng hóa trong ngày nhờ việc lưu container tại cảng Tri Phương thay vì phải đặt hàng trước ít nhất một ngày nếu lưu container tại cảng Hải Phòng. Đồng thời cảng cũng giúp rút ngắn thời gian giao hàng đối với khách hàng xuất khẩu vì quãng đường vận chuyển tới cảng Tri Phương gần hơn so với Hải Phòng.
Đặc biệt, cảng Tri Phương sẽ giúp giảm tắc đường, giảm tải lượng container vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đi, về giữa các tỉnh phía bắc và Hải Phòng, góp phần giảm tải ách tắc giao thông trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm như quốc lộ 5, quốc lộ 18.
Có thêm cảng container phục vụ logistics sẽ là “cú hích” mạnh thúc đẩy phát triển vận tải thủy. |
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhìn nhận, việc có thêm cảng container phục vụ logistics sẽ là “cú hích” mạnh thúc đẩy phát triển vận tải thủy. Đây cũng là yếu tố nền tảng giúp đẩy nhanh tiến trình container hóa, giúp vận tải thủy mở rộng lượng hàng hóa. Từ đó, vận tải thủy sẽ nâng cao được thị phần, thực hiện hiệu quả chiến lược tái cơ cấu vận tải. Bởi lẽ, hạn chế trong vận tải đa phương thức của đường thủy nội địa hiện nay đang là yếu tố chính gây khó khăn trong việc nâng cao thị phần.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, với chủ trương khuyến khích phát triển vận tải thủy như một chiến lược mũi nhọn thì cần đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích nguồn lực đầu tư vào đường thủy nội địa. Đặc biệt, cần phải tạo ưu đãi cho các doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp vận tải đa phương thức, vì những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ từ cửa đến cửa sẽ có hiệu quả cao.
“Việc lưu thông hàng hóa kém, cũng đồng nghĩa với việc cản trở phát triển kinh tế. Đầu tư vào ĐTNĐ chắc chắn sẽ mang lại nhiều nguồn thu, nhiều lợi ích cho xã hội hơn so với đầu tư vào đường bộ rất nhiều. Đặc biệt là tận dụng khai thác được thế mạnh quốc gia, cân bằng và kết nối hiệu quả các hình thái GTVT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Là yếu tố quyết định tương lai tươi sáng của đường thủy nội địa, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải container trên các tuyến vận tải thủy. Trong đó có khuyến khích và thúc đẩy đầu tư xây mới một số cảng chính quan trọng phục vụ phát triển kinh kế - xã hội tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp lớn,... đồng thời từng bước nâng cấp, hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, thiết bị bốc xếp để nâng cao năng lực hàng hóa thông qua cảng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.