Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Xe ô tô điện được xem là một trong những phương tiện giao thông xanh, sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt những mục tiêu về giảm mức phát thải ròng bằng 0.
Vừa qua, tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mêtan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, mục tiêu đến năm 2050, toàn bộ 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Vấn đề phát thải của các phương tiện giao thông luôn là điều gây nhức nhối cho các cơ quan chức năng và cả xã hội. Còn nhớ vào những ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chính sách hạn chế mọi người ra đường được thực hiện và người ta đã đo được chỉ số chất lượng không khí rất tốt vào những ngày này. Tất nhiên, chất lượng không khí đạt được mức "rất tốt" phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song tại các thành phố lớn, phương tiện giao thông đóng một phần vai trò lớn tạo nên chỉ số này.
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ra tuyên bố sẽ cấm bán ô tô sử dụng động cơ xăng và diesel (ICE) kể từ năm 2035. Những nhà đàm phán đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu (EC) nhất trí rằng, các nhà sản xuất xe hơi phải đạt được mục tiêu cắt giảm 100% phát thải khí CO2 vào năm 2035, và như vậy, sẽ không có một chiếc ô tô mới nào chạy bằng nhiên liệu hóa thạch được bán ra tại 27 quốc gia trong khối châu Âu.
Những chính sách cứng rắn của châu Âu cùng với việc nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thực thi các biện pháp giảm phát thải trong phương tiện giao thông đã khiến thời của xe ô tô điện dường như đã đến. Nhiều chính phủ khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện bằng các chính sách ưu đãi như thuế, phí; đồng thời đưa ra những quy định nghiêm ngặt về khí thải buộc các nhà sản xuất phải dần chuyển đổi sang các dòng xe xanh. Giờ đây, từ các startup ô tô điện như Tesla, Xpeng hay Lucid, đến các hãng ô tô truyền thống khổng lồ như Toyota, Ford hay cả các hãng xe sang như Audi, Porsche đều đã bước chân vào thế giới của xe điện, tuyên bố về lộ trình chỉ bán xe điện hoàn toàn.
Tại Việt Nam, mặc dù ô tô điện vẫn đang có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để có thể trở thành phương tiện giao thông đại chúng. Nhưng cùng với xu thế của toàn thế giới, ô tô điện chắc chắn sẽ là con đường tất yếu ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều hãng xe đã giới thiệu, "nhá hàng" những mẫu xe ô tô điện sẽ giới thiệu đến thị trường trong nước. Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng có nhu cầu mua ô tô điện hầu như chỉ có thể lựa chọn những mẫu xe điện đang chào bán của VinFast như VF e34 hay VF8 và VF9; hoặc sản phẩm của một số thương hiệu nước ngoài như Audi, MG, Hongqi, Mercedes, Porsche…. Điểm chung ở nhánh thị trường ô tô điện hiện nay là còn ít lựa chọn và giá bán vẫn cao. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1-2 năm tới, thị trường xe ô tô điện của Việt Nam sẽ đa dạng sản phẩm hơn, khi hiện tại những hãng xe phổ thông như Kia, Hyundai hay Toyota đã có nhiều động thái giới thiệu xe điện tại Việt Nam.
Triển lãm ô tô Vietnam Motor Show (VMS) 2022 vừa qua đã cho thấy bức tranh lớn về ô tô điện tại Việt Nam. Số lượng xe điện nói chung và tỷ trọng xe điện xuất hiện tại triển lãm đã ở mức cao. Hầu hết các hãng xe đều hé lộ sản phẩm mẫu hoặc đưa ra những tuyên bố liên quan đến xe ô tô điện. Cụ thể, hãng xe Đức Mercedes-Benz đã mang đến VMS mẫu ô tô điện EQS, Audi trình làng e-tron SUV bản thương mại, MG giới thiệu Marvel R, Toyota giới thiệu bZ4X - ô tô điện đầu tiên của hãng. Trong khi đó, Lexus cũng ra mắt Lexus LF-Z Electrified chạy điện dưới dạng concept.
Ô tô điện là một trong những phân khúc sản phẩm thu hút nhiều khách thăm quan tại VMS 2022. Điều đó cho thấy mối quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với xe điện, dù vẫn còn những lo lắng về cơ sở hạ tầng cũng như trạm sạc pin cho ô tô điện.
Thật vậy, thời lượng pin và cơ sở hạ tầng trạm sạc ô tô điện là những vấn đề mà thị trường xe điện phải tìm ra lối thoát. Thực tế, công nghệ ngày càng phát triển, các công ty trên thế giới đang trong cuộc đua nâng cấp pin ô tô điện. Hiện nay, công nghệ pin mới nhất có thể giúp ô tô điện di chuyển tới 700 km sau mỗi lần sạc đầy. Đây là công nghệ pin đến từ hãng CATL của Trung Quốc và được biết công nghệ này đang được nghiên cứu và hợp tác với các nhà cung cấp để trang bị trên các dòng xe thương mại một cách sớm nhất có thể. Theo đó, công nghệ pin mới của hãng này có thể bổ sung mật độ năng lượng lên tới 20%, tương ứng với khả năng mở rộng phạm vi hoạt động cho các mẫu xe điện. Mới đây, sự kiện thu hút chú ý của thị trường xe điện Việt Nam là CATL và VinFast đã ký kết hợp tác chiến lược toàn cầu về phát triển xe điện, nổi bật là công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC. Buổi lễ ký kết diễn ra tại Nhật Bản, với sự chứng kiến trực tiếp của ông Robin Zeng, Chủ tịch CATL, và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast. Sự kiện mang lại nhiều hy vọng cho thị trường xe điện Việt Nam.
Hãng xe Việt tiên phong trên thị trường ô tô điện VinFast cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống trạm sạc ô tô điện, nhằm thúc đẩy thị trường ô tô điện Việt Nam phát triển. Hiện tại, VinFast đã lắp đặt hệ thống trạm sạc tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Người tiêu dùng vẫn đang kỳ vọng Chính phủ cũng như các doanh nghiệp sẽ chung tay xây dựng và mở rộng trạm sạc hơn nữa trong tương lai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.