Con số 6.000 và dấu mốc mới về giảm TNGT

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 11/02/2022 07:27

Kéo giảm TNGT luôn là một thách thức lớn nhưng để kết quả này được duy trì bền vững thì còn không ít khó khăn. Tiếp nối những kỳ tích trong những năm gần đây, năm 2021 tiếp tục ghi dấu những "cột mốc" mới trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, tạo tiền đề cho những mục tiêu trong những giai đoạn tiếp theo.

 

A7_00836

Lực lượng CSGT cùng các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch Covid-19 trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội

Thêm một “lần đầu tiên”

Còn nhớ năm 2020 từng ghi một “cột mốc” khi lần đầu tiên số người thiệt mạng do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Thời điểm đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu có thể giảm được nữa không, khi mà hạ tầng, phương tiện, lưu lượng tham gia giao thông đều tăng?

Với quyết tâm giữ vững những thành tựu và phát huy hiệu quả tốt hơn, Năm ATGT 2021 lấy chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp lu ật bảo đảm trật tự ATGT” đã hiện thực hóa, thậm chí là vượt xa các mục tiêu đề ra. Việc chọn và xác định chủ đề Năm ATGT 2021 đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về trật tự ATGT.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ cùng sự chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, nỗ lực bền bỉ, kiên trì của các cơ quan chức năng cùng sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2021 đã ghi thêm một cột mốc mới với số vụ TNGT lần đầu tiên giảm xuống dưới 6.000 người.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm qua, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.496 vụ (-23,32%), số người chết giảm 1.068 người (-15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (-28,16%).

Có thể thấy, mức giảm TNGT trong 2 năm trở lại đây liên tục đạt bước giảm rất sâu, thay vì chỉ ở mức giảm nhẹ so với những năm trước đó. Điều này phản ánh cụ thể quyết tâm, hiệu lực, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đang ngày càng thực chất, giải quyết đúng và trúng những nguồn gốc TNGT.

Cần đổi mới căn bản, toàn diện

Đánh giá về bức tranh ATGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh nhìn nhận, TNGT là vấn nạn của toàn nhân loại. Từ năm 2011 đến nay, từ thức tỉnh về nỗi đau TNGT, Việt Nam đã từng bước thiết lập được ATGT bền vững và giảm TNGT toàn diện, liên tục trong 10 năm.

Các giải pháp mà Trung ương và Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/2011 và Nghị quyết 12/2019 của Chính phủ được triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong đảm bảo ATGT các năm tiếp theo.

Kéo giảm TNGT là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà Đảng và Nhà Nước nỗ lực thực hiện thông qua hàng loạt những giải pháp từ vi mô đến vĩ mô với mục tiêu giảm thiểu thấp nhất TNGT. Dẫu vậy, vẫn còn đó nhiều bất cập, yếu kém trong quản lý, cơ sở hạ tầng cũng như những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân, cán bộ thực thi công vụ. Điều này khiến cho TNGT dù có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tuy số người chết do TNGT năm 2021 dưới 6.000 người nhưng con số này vẫn ở mức cao.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT là phải thực hiện đồng bộ 5 trụ cột, gồm: quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và ứng phó sau TNGT theo hướng tiếp cận hệ thống ATGT hiện đại, bảo đảm hoạt động giao thông đường bộ an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, thân thiện môi trường. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm trật tự ATGT theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khu
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khu

 Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông

Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng Kế hoạch Năm ATGT 2022 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" với tinh thần "vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông". Mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT năm nay là nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật; nâng cao nhận thức vý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, không thể phủ nhận mức giảm TNGT năm qua có yếu tố khách quan là tác động của đại dịch Covid-19 khiến mật độ phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu, góp phần kéo giảm TNGT. Trong bối cảnh dịch bệnh, tuy số lượng phương tiện lưu thông giảm, áp lực giao thông ít hơn song trật tự ATGT diễn biến phức tạp hơn, bởi khi lực lượng chức năng dồn sức vào hoạt động phòng, chống dịch bệnh thì những hành vi vi phạm gia tăng.

Năm qua, ATGT gặp nhiều nổi cộm phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19, điển hình nhất là tình trạng đua xe trái phép và vi phạm về tốc độ ở mức nghiêm trọng hơn do lưu lượng giao thông giảm, đường vắng. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ có dấu hiệu tái diễn rất phức tạp khi các đối tượng lợi dụng bối cảnh dịch bệnh, lực lượng chức năng phải “căng mình” tham gia phòng, chống dịch. Theo lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng vi phạm hết sức manh động, liều lĩnh và coi thường pháp luật.

Theo bà Trịnh Thu Hà - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, năm qua vẫn còn một bộ phận người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự ATGT. Đồng thời, không ít người cố ý vi phạm quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Cùng với đó, nguồn lực dành cho công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư, nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng và bảo đảm thường xuyên cho lực lượng tuần tra, kiểm soát. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Đối với công tác xây dựng thể chế, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn hạn chế, một số văn bản QPPL còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chậm xây dựng và thiếu sự chia sẻ, kết nối về cơ sở dữ liệu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự ATGT và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách.

Dẫu vậy, ở góc độ tích cực, nhìn lại bức tranh ATGT năm qua có một “điểm sáng” quan trọng về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của người dân. Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều đô thị lớn phải giãn cách xã hội. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời điểm ấy đăng tải nhiều hình ảnh đáng quý khi đường sá vắng vẻ, không có lực lượng chức năng nhưng nhiều người vẫn tuân thủ dừng đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm, đi đúng tốc độ, không phóng nhanh vượt ẩu, chấp hành đúng các quy định, quy tắc ATGT.

Có lẽ, đại dịch Covid-19 cũng phần nào thức tỉnh ý thức yêu cuộc sống của người tham gia giao thông. Đó là những điều tích cực hiếm hoi khi cả xã hội phải trải qua những ngày tháng “mong manh” vì đại dịch. Đây cũng là minh chứng phản ánh rõ nét ý thức chấp hành của người tham gia giao thông ngày nay đã tốt hơn rất nhiều.

Ý kiến của bạn

Bình luận