Triển khai loạt giải pháp kéo giảm TNGT

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 18/06/2021 08:13

Từ đầu năm đến nay, TNGT được kéo giảm toàn diện cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Song, trước những bất cập, tồn tại tiềm ẩn gia tăng TNGT hiện hữu, công tác đảm bảo trật tự, ATGT tiếp tục được củng cố và tăng cường thực hiện các biện pháp căn cơ.

 

DSC01244
 

Hiệu quả ở mức cao

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong tháng 5, toàn quốc xảy ra 962 vụ TNGT, làm chết 491 người và làm bị thương 675 người; so với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 36 vụ (-3,61%), giảm 38 người chết (-7,18%), tăng 15 người bị thương (2,27%). Trong 5 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 5.182 vụ TNGT, làm chết 2.656 người, bị thương 3.788 người. So với 5 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 326 vụ (-5,92%), số người chết giảm 11 người (-0,41%), số người bị thương giảm 177 người (-4,46%).

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh đánh giá, công tác đảm bảo trật tự, ATGT từ đầu năm đến nay có nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, TNGT trong 5 tháng đầu năm vẫn giữ đà giảm toàn diện cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Qua đó cho thấy, dù trong bối cảnh nhiều thách thức, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT vẫn được duy trì ở mức cao, phản ánh năng lực của các cơ quan chức năng.

Dẫu vậy, thực trạng trật tự, ATGT hiện nay đang đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ. Trước hết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27/4/2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm tiếp tục khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua các hoạt động vận tải; đồng thời thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Về những giải pháp siết chặt hơn nữa tình hình trật tự, ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu các địa phương phải báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục, kéo giảm TNGT trong những tháng tới đây. Đồng thời, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ GTVT tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc một số địa phương có TNGT diễn biến phức tạp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả đảm bảo trật tự, ATGT nói chung và tiếp tục kéo giảm mạnh TNGT nói riêng. Song hành với đó, Ủy ban ATGT Quốc gia hiện đang phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp những bất cập về mặt quy định pháp luật, chính sách trong bảo đảm trật tự, ATGT để kiến nghị đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL trong thời gian sớm nhất.

DSC03839
 

Đẩy mạnh các giải pháp căn cơ

Trước những bất cập, tồn tại tiềm ẩn nguy cơ gia tăng TNGT hiện hữu, đáng chú ý, Bộ GTVT đang nghiên cứu xem xét sửa đổi Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21/10/2013 của Bộ GTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ và các quy định pháp luật khác liên quan gắn trách nhiệm và bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm đối với đơn vị kinh doanh vận tải và chủ phương tiện nếu có phương tiện gây TNGT, tăng nặng mức phạt và các hình phạt bổ sung với hành vi chở hàng hóa quá tải trọng xe và cầu đường; hàng hóa không được xếp, chằng buộc, chèn chống cố định trong quá trình vận chuyển tiềm ẩn nguy cơ TNGT; đưa phương tiện hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông.

Trong nỗ lực đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe, Bộ GTVT đang tập trung kiểm tra tải trọng xe tại một số tuyến quốc lộ trọng điểm trên toàn quốc, nổi bật trong đó là: đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình; QL1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa; QL70, đoạn qua địa bàn tỉnh Yên Bái; QL5, đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng; QL18, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh; QL51; các tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Quảng Ninh - Hải Phòng; địa bàn TP. Hà Nội...

Đặc biệt, ngành GTVT cũng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nội dung kiểm soát tải trọng phương tiện, hoạt động nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo trì công trình đường sắt và đảm bảo ATGT đường sắt.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT đang phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT vào mùa mưa lũ; đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa, thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra tuyến luồng, điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến; hoàn thiện rà soát, đề xuất các biện pháp bảo đảm an toàn phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB; thực hiện tổng kết, đánh giá quy chế phối hợp giữa Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục An ninh nội địa. Mặt khác, Bộ cũng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác bay, điều hành bay, dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không, sân bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận