“Con tàu” Hàng hải củng cố nội lực tạo sức mạnh “vượt sóng” vươn khơi

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao

Dù bị tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng ngành Hàng hải Việt Nam vẫn nỗ lực vượt sóng, tạo đà cho bước chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục vươn khơi.

 

HH
 

“Điểm sáng” vận tải trong đại dịch

Vận tải biển đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics, đặc biệt là đối với điều kiện của Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, gần các tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 13,8%.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng về khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển, cụ thể trong năm 2020 khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019, trong đó khối lượng hàng hóa container đạt 22,41 triệu TEUs, tăng 13% so với năm 2019. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 11 tháng năm 2021 đạt hơn 647 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khối lượng hàng hóa container đạt hơn 22 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Để duy trì đà tăng trưởng dương, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động tổ chức, triển khai và chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng biển Việt Nam và tàu thuyền hoạt động trong cảng, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, liên tục cho đến nay.

Một trong những giải pháp thiết thực giúp triển khai hiệu quả “mục tiêu kép” và được các doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao là ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giải quyết thủ tục cho tàu thuyền ra, vào cảng biển trên phần mềm một của quốc gia cho tất cả tàu thuyền đến cảng. Việc làm này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian và hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải biển trên thế giới khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy nghiêm trọng, nhiều cảng trên thế giới bị tắc nghẽn, đẩy giá cước vận tải container tăng phi mã và thiếu hụt trầm trọng vỏ container để đóng hàng xuất khẩu. Kịp thời nắm bắt vấn đề, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hạn chế tối đa việc tăng giá bất hợp lý, tăng cường cung cấp vỏ container cho thị trường Việt Nam để duy trì chuỗi cung ứng logistics.

Với những chỉ đạo kịp thời này, các hãng tàu đã bổ sung thêm nhiều tuyến mới từ Việt Nam đi châu Âu, châu Mỹ, bổ sung nhiều vỏ container đáp ứng được lượng hàng hóa xuất khẩu tăng liên tục từ đầu năm 2020 đến nay. 11 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 167 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trước tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cảng Cát Lái - cảng biển lớn nhất Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã khẩn trương kiểm tra hiện trường, đưa ra những quyết sách thiết thực. Chỉ hơn 1 tháng, khối lượng hàng hóa ùn tắc đã được giải quyết, chuỗi cung ứng hàng hoá thông suốt.

Tập trung nguồn lực phát triển để vươn khơi

Thời gian qua, ngành Hàng hải cũng đặc biệt quan tâm đến đội ngũ thuyền viên - nguồn nhân lực chủ đạo góp phần duy trì chuỗi cung ứng. Ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hàng hóa lưu thông bằng hàng hải trong nước và quốc tế chiếm gần 90%, do đó các thuyền viên cần được đảm bảo sức khỏe, phòng chống Covid-19 để phục vụ việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế. Trong Nghị quyết 21, lực lượng hàng hải là một trong những lĩnh vực được ưu tiên, vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT cũng như các đơn vị liên quan, địa phương ưu tiên nguồn vắc-xin tiêm cho lực lượng thuyền viên, người lao động trong lĩnh vực hàng hải tại các cảng biển, cảng cạn, đặc biệt là ở các địa phương có dịch bùng phát.

Ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhằm kịp thời bảo vệ sức khỏe người lao động, thuyền viên của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cảng biển, thời gian qua, cảng vụ đã chủ động đề xuất cơ quan chức năng thành phố tổ chức nhiều đợt tiêm vắc-xin phòng dịch. Tính đến ngày 03/11/2021, hơn 28.400 lao động hàng hải được tiêm vắc-xin tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, cảng vụ đã trực tiếp đề xuất và được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phê duyệt tiêm vắc-xin cho gần 13.200 người lao động.

Nhận định được tầm quan trọng của nhân lực phục vụ chuỗi cung ứng vận tải hàng hóa, bên cạnh những giải pháp phát triển đội tàu, Cục Hàng hải Việt Nam đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên. Theo đó, ngành Hàng hải đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm cả trong nước và nước ngoài; củng cố phát triển các trường đại học, cao đẳng dạy nghề chuyên ngành ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vận hành, khai thác tàu biển, cảng biển, công nghiệp tàu thủy, dịch vụ logistics và xuất khẩu thuyền viên cũng như có chính sách, chế độ ưu đãi với đặc thù lao động của ngành vận tải biển nhằm khích lệ người lao động gắn bó lâu dài với nghề.

Một trong những định hướng quan trọng ngành Hàng hải hướng đến là ban hành chính sách quản lý về nguồn lao động hàng hải, đặc biệt là sỹ quan, thuyền viên lao động trên tàu và lao động trong các nhà máy đóng, sửa chữa tàu. Đây là những lĩnh vực lao động nặng nhọc, nguy hiểm, từ đó xây dựng cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các chế tài thưởng phạt trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động; đồng thời xây dựng các quy chế quản lý, kiểm soát, kiểm định chất lượng độc lập để thực hiện các chức năng quản lý chất lượng đào tạo chuyên môn đối với tất cả các cơ sở đào tạo, huấn luyện.

Ý kiến của bạn

Bình luận