Ảnh minh họa |
Xe hơi ngày càng hiện đại hơn
Nếu trước đây, hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control) là một tính năng an toàn chỉ có ở các mẫu xe hạng sang thì nay đã trở nên phổ biến và xuất hiện ngay cả trên các dòng xe bình dân. Còn trên các mẫu xe đắt tiền hơn, Cruise Control còn được nâng cấp thành hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control) với các cảm biến gắn phía trước xe để điều chỉnh tốc độ dựa theo xe phía trước nhưng không vượt quá tốc độ giới hạn mà người lái thiết lập.
Tương tự như vậy, camera lùi không còn là trang bị hàng hiếm mà đã được nâng cấp lên thành camera 360 độ hay các tay lái mới không còn “căng cứng sợ hãi” mỗi khi lùi xe nhờ hệ thống đỗ xe tự động với khả năng tự động đánh lái và di chuyển vào khu vực đã chọn.
Với những người đi trên hành trình dài và địa hình phức tạp, các hệ thống cảnh báo chệch làn đường, hộ trợ lên xuống dốc, cảnh báo buồn ngủ hay phanh tự động được quảng bá là những tính năng hữu dụng cho người điều khiển, giúp tài xế không lo “lạc lối” hay không kịp phản xạ khi bất ngờ gặp chướng ngại vật.
Các tính năng cảm biến va chạm hay hỗ trợ làn đường cũng được nhận định là những tính năng vượt trội giúp tăng khả năng an toàn trên xe. Ngày nay, xe hơi càng đắt tiền, danh sách các trang bị, hệ thống công nghệ an toàn càng dài và người sử dụng có khi phải mất nhiều tuần mới có thể tìm hiểu và làm quen được các tính năng trên xe, thậm chí có những tính năng còn chẳng được biết tới.
Tài xế vẫn là người quyết định sự an toàn khi điều khiển xe
Theo các chuyên gia, xe hơi ngày càng hiện đại không hẳn là loại bỏ được 100% nguy cơ tai nạn bởi hơn hết tài xế vẫn là người quyết định an toàn của hành trình. Trên thực tế, ngay cả xe hơi tự lái cũng chưa đảm bảo hoàn toàn được sự an toàn và rủi ro vẫn hiện hữu bởi các tình huống trên đường là muôn hình vạn trạng.
Các tính năng an toàn trang bị trên xe hơi thực tế vẫn chỉ là trang bị hỗ trợ. Chẳng hạn, với tính năng kiểm soát hành trình, người lái có thể “nhàn chân” mà không lo bị vượt quá tốc độ cho phép trên đường. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào nó, tài xế có thể sẽ không kịp phản ứng khi bất ngờ có chướng ngại vật.
Tương tự như vậy, nhiều người đã gặp sự cố khi sử dụng hệ thống hỗ trợ đỗ xe và các hãng xe không ít lần phải khuyến cáo đây chỉ là tính năng hỗ trợ, người lái vẫn phải quan sát và chân luôn để sẵn ở bàn đạp phanh phòng trường hợp xảy ra sự cố.
Còn với các hệ thống cảnh báo buồn ngủ, cảnh báo làn đường, không ít tài xế “tỉnh táo” sẽ thấy khó chịu khi liên tục bị cảnh báo bởi với giao thông ở Việt Nam, việc luôn đi đúng làn đường đôi khi là không dễ. Còn với các tài xế đã thực sự buồn ngủ thì những cảnh báo trên đôi khi là không đủ.
Không ít người đã phải tắt hệ thống cảnh báo va chạm khi nhiều lần bị hệ thống này mang tới một vài khó chịu khi phát ra tín hiệu cảnh báo quá sớm hay tự động phanh trong trường hợp chưa thật sự cần thiết. Theo các chuyên gia, việc sử dụng quá nhiều công nghệ hỗ trợ có thể khiến cảm giác lái của tài xế kém đi sau một thời gian dài phụ thuộc vào công nghệ.
Trong khi ở nhiều trường hợp, cảm giác lái của tài xế mới là yếu tố quyết định cho sự an toàn của người lái và hành khách, chưa kể tới tình huống các hệ thống an toàn trên có thể bị tấn công từ bên ngoài (hack) hoặc trục trặc phần mềm điều khiển. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an toàn, tài xế luôn luôn phải có sự tập trung, quan sát để có phản ứng kịp thời trước những tình huống bất thường. Bên cạnh đó, khi đã mệt mỏi hoặc sử dụng bia rượu thì tài xế tuyệt đối không được lái xe vì sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.