Rô-bốt TBM trị giá khoảng 4 triệu USD với chiều dài 70m, nặng 300 tấn, đây là công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng tại Việt Nam |
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban QLDA Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Rô-bốt TBM được sản xuất tại Nhật Bản, trị giá khoảng 4 triệu USD, được chuyển về Việt Nam đầu năm 2017 với chiều dài 70m, nặng 300 tấn, có khả năng đào đất an toàn và tạo ra vách tường của hầm dưới độ sâu 17m. TBM sẽ đào đường hầm dài 781m, kết nối với đoạn đang thi công đào hở ở hai đầu nhà ga Nhà hát Thành phố và Ba Son. TBM thực chất là máy khoan nằm ngang, gồm một ống thép dài nhiều kích cỡ, có đường kính bằng đường kính hầm, đủ để chứa thiết bị máy móc hay công nhân vận hành. Đầu ống là khiên đào có gắn các mũi cắt, động cơ làm quay tròn để cắt đất”.
“Nguyên lý vận hành là sau khi khoan được 1,2m, rô-bốt sẽ dừng khoan để lắp đặt 6 tấm bê tông làm vách hầm rồi tiếp tục khoan. Rô-bốt với công nghệ TBM còn có sức công phá các chướng ngại vật cứng như bê tông và có khả năng dò tìm bom mìn dưới lòng đất. Trong quá trình đào, đất đá được chuyển vào dây chuyền băng tải rồi guồng lên và nghiền xay thành bùn lỏng. Kế đến, bùn lỏng được đưa qua các hệ thống lọc để tách lấy nước và tái sử dụng cho mục đích thi công. Đất bùn khô sẽ tiếp tục được đưa ra khỏi công trường”, ông Quang cho biết thêm.
Đến nay, đường hầm thứ hai đã khoan được khoảng 480m trên tổng chiều dài 781m, rộng 6,79m, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2018. Đây là công trình thi công hầm khoan TBM tuyến ngầm phía Đông (đoạn từ ga Ba Son đến Nhà hát Thành phố), là hạng mục thi công thuộc gói thầu 1b của Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Những ngày đầu tháng 5, có mặt dưới lòng đất cách mặt đất 10m nơi đang thi công đường hầm thứ 2, chúng tôi mới cảm nhận được không khí làm việc hối hả của toàn thể công nhân, kỹ sư, tất cả vì mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn lao động. Ông Lê Thành Lê - kỹ sư tại Dự án tuyến metro số 1 cho biết: “Mỗi ngày, máy khoan TBM thi công được 10m hầm, công nhân tại công trường làm việc liên tục 24/24 giờ với 3 ca làm việc. Là một trong những hạng mục quan trọng của tuyến số 1, hầm được thi công theo công nghệ khoan “cân bằng áp lực đất”, vậy nên hàng trăm tấn thiết bị thi công dưới lòng đất không gây ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất. Bên cạnh đó, tất cả thông số được lập trình chính xác tuyệt đối đến từng milimet trên máy tính với sự theo dõi, giám sát của các chuyên gia Nhật Bản”.
Đường hầm thứ 2 (Tuyến đường sắt metro số 1) đã khoan được khoảng 480m, trên tổng chiều dài 781m |
Theo Ban QLDA Đường sắt Đô thị TP. Hồ Chí Minh, mọi sinh hoạt, nghỉ ngơi và an toàn lao động của anh em kỹ sư, công nhân được đơn vị đặt lên hàng đầu như: Nghỉ ngơi, kiểm tra sức khỏe hàng ngày sau mỗi ca kết thúc... Cách mặt đất 10m nên không khí được bơm xuống hầm bằng một đường ống lớn. Ống thông khí này cùng với hệ thống quạt thông gió bố trí khắp đường hầm khiến nhiệt độ, áp suất trong hầm không khác bên ngoài để đảm bảo vấn đề sức khỏe cho công nhân làm việc dưới hầm.
Phát triển hạ tầng giao thông ngầm là một giải pháp được các nước tiên tiến trên thế giới lựa chọn sử dụng trong khi mật độ giao thông quá tải, quỹ đất dành cho giao thông ở trên mặt đất hạn chế. Vì vậy, giải pháp chọn giao thông đô thị ngầm được lựa chọn. Dự kiến, khi toàn tuyến hoàn thành vào cuối năm 2020 thì mọi sinh hoạt của người dân và khả năng vận chuyển hành khách sẽ không ảnh hưởng tới các phương tiên giao thông khác trên đường phố, đảm bảo tính an toàn, không tắc nghẽn giao thông, người dân hoàn toàn tiếp cận sử dụng bằng phương tiện này thuận lợi qua các lối tiếp cận vào, ra các nhà ga. Bên dưới cũng có các dịch vụ và người dân có thể sinh hoạt đi lại như trên mặt đất với đầy đủ các tiện ích như: Siêu thị, chợ, mua sắm, các quán ăn, nghỉ… để giao dịch
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.