Công nghệ nào sử dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 04/04/2019 07:41

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án. Dự án được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 561,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD), giai đoạn 2 là 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD).

 

duong sat
 


Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.559km, chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được chia thành hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD. Trong đó, 14km tại Hà Nội đi chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi), còn 1.545km đi từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm; có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 đề-pô, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.

Đoàn tàu được thiết kế với tốc độ 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Thời gian thực hiện dự kiến như sau: Giai đoạn 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh; giai đoạn 2 dự kiến từ năm 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Đề xuất của Bộ GTVT về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất Nhà nước đầu tư khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư (mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị; chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đưa ra đánh giá tác động tới nền kinh tế hoặc nợ công. Báo cáo nghiên cứu cho biết, với trường hợp sử dụng 100% vốn trong nước, giá trị đầu tư hàng năm trong giai đoạn 1 tối đa chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 tối đa 0,55% GDP. Trường hợp 100% vốn đi vay, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, Dự án không làm vượt trần nợ công 65% theo quy định trong suốt hai giai đoạn đầu tư dự án.

Điểm nhấn công nghệ của Dự án thực hiện nguyên lý chung của đường sắt tốc độ cao chạy trên ray là sử dụng động cơ điện và chạy trên ray tiêu chuẩn. Vấn đề cốt lõi tạo nên sự khác biệt là của công nghệ gồm công nghệ đoàn tàu và hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển chạy tàu. Trong đó, công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán (Nhật, Đài Loan); công nghệ hệ thống thông tin tín hiệu sử dụng công nghệ truyền tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến, đóng đường sử dụng phân khu di động.

Theo tờ trình việc tổ chức chạy tàu, thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55  phút nếu dừng ở tất cả các ga. Thời gian khai thác từ 6 - 24 giờ. Mô hình quản lý khai thác dự án là tách bạch quản lý với kinh doanh, theo đó thành lập tổng công ty nhà nước quản lý hạ tầng, còn nhà đầu tư thành lập các công ty vận tải để vận hành, khai thác. Về phát triển công nghiệp đường sắt, dự kiến các đơn vị chuyển giao công nghệ phải xây dựng các cơ sở công nghiệp và liên doanh với các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam nhằm rút ngắn quá trình tiếp nhận và làm chủ công nghệ.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã có tờ trình kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án theo quy định, sớm trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận