Công tác đảm bảo Trật tự ATGT: Rất cần lương tâm và trách nhiệm

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 26/04/2018 06:24

Quý I vừa qua, TNGT diễn biến phức tạp với số người thiệt mạng do TNGT tăng 1,66%, trong đó có 14 tỉnh tăng từ 40% lên đến 150%. Với những diễn biến phức tạp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường mọi giải pháp, quyết liệt kiềm chế nguy cơ gây TNGT.

DSC09990

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đề nghị các địa phương có TNGT tăng cao phải phân tích, đánh giá kỹ nguyên nhân, từ đó có giải pháp triệt để

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Quý I hàng năm là thời gian nhân dân cả nước đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội xuân. Cùng với đó, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến, đi kèm là điều kiện thời tiết mưa rét, sương mù… khiến tình hình TTATGT rất phức tạp.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, tình hình TTATGT trong quý I tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác vận tải trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định.

Đánh giá về tình hình TTATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể cho biết, trong Quý I năm nay, công tác đảm bảo TTATGT đã được triển khai rất quyết liệt với những giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao.

Thời điểm có diễn biến TTATGT phức tạp nhất trong năm là dịp Tết Nguyên đán, công tác đảm bảo TTATGT đã phát huy hiệu quả rất tốt, TNGT đã giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm, tình hình TTATGT vẫn diễn biến rất phức tạp, số người thiệt mạng do TNGT tăng 1,66% so với cùng kỳ năm 2017.

27 địa phương tăng số người chết

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong Quý I vừa qua toàn quốc đã xảy ra 4.674 vụ TNGT, làm chết 2.149 người, bị thương 3.627 người; so với Quý I năm 2017, số vụ TNGT giảm 139 vụ (-2,89%), số người chết tăng 35 người (1,66%), số người bị thương giảm 208 người (-5,42%).

Trong nỗ lực giảm TNGT, đã có 32 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, 27 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương có TNGT tăng cao phải phân tích, đánh giá kỹ về nguyên nhân, từ đó có giải pháp quyết liệt để kéo giảm TNGT trong những quý tiếp theo. Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cấp ủy, chính quyền các cấp phải phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng xây dựng văn hóa giao thông và tình nguyện làm gờ giảm tốc, cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại khu vực nông thôn; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tốt các phong trào tự quản để cảnh giới tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn.

Những thách thức Đặt Ra

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, có 3 yếu tố chính khiến tình hình TTATGT diễn biến phức tạp trong quý I vừa qua và cũng là yếu tố nghiêm trọng khiến số người thiệt mạng do TNGT tăng, đó là: Ý thức kém trong việc chấp hành quy định TTATGT của người dân, đặc biệt là trong dịp Tết và lễ hội xuân; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa tạo được môi trường giao thông đúng tiêu chuẩn tại các khu vực nông thôn; lực lượng đảm bảo TTATGT tại khu vực ngoài đô thị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cùng với đó là tồn tại thái độ nể nang, xuê xoa trong công tác xử lý vi phạm dịp đầu năm.

Nhìn nhận thẳng thắn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra một số hiện tượng nguy hiểm khác đang uy hiếp đến ATGT, cụ thể là tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đón trả khách không đúng nơi quy định trong nội đô TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương; tình trạng “xe dù, bến cóc” có xu hướng gia tăng, gây mất TTATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định…

Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT, tình trạng sử dụng lòng, lề đường để tổ chức đám cưới, đám tang diễn ra phức tạp, uy hiếp ATGT. Đối với hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng chỉ rõ các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là thiết bị bảo đảm ATGT tại các đoạn đường đèo, dốc, bán kính cong hẹp còn thiếu, hư hỏng chưa được bổ sung kịp thời. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại nhiều lối đi tự mở trái phép qua đường sắt…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá: “Trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT của người đứng đầu tại một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa cao, thiếu cương quyết”.

 Khẩn trương xử lý nguy cơ tiềm ẩn

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Những nguyên nhân gây ra TNGT đều đã thấy rõ, vậy phải tập trung khắc phục một cách có hiệu quả. Đây là lương tâm, trách nhiệm của người đứng đầu, người có trách nhiệm”.

Để tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực cũng như xử lý những diễn biến phức tạp của tình hình TTATGT trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT.

Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm về việc giảm tải hạ tầng các đô thị lớn, chỉnh trang đô thị và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nội đô; phát triển đô thị vệ tinh, kết nối hạ tầng, giảm tải cho nội đô, bố trí lại lực lượng dân cư và lao động; ứng dụng công nghệ thông minh trong điều hành giao thông; nghiên cứu xây dựng các chế tài xử lý đủ mạnh, nghiêm khắc để hạn chế TNGT.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ Bảo trì đường bộ, ưu tiên xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên các đường đèo dốc nguy hiểm, các điểm giao cắt giữa đường bộ - đường sắt, khắc phục tình trạng cầu hẹp hơn đường trên các tuyến quốc lộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu giá, ưu tiên các trạm trên QL1 và địa bàn lân cận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các điểm dừng nghỉ trên cao tốc theo đúng quy định nhằm bảo đảm sức khỏe cho lái xe và ATGT; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi dừng, đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc.

Đặc biệt trong những quý tiếp theo, Bộ GTVT phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, nhất là kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hình thức vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô, xây dựng phần mềm quản lý ô tô kinh doanh vận tải và ứng dụng Internet và điện thoại thông minh.

Bộ GTVT cần khẩn trương xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT đường bộ đối với phương tiện giao thông cơ giới, trước mắt tập trung quản lý đối với các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Về phía lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng ưu tiên xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến cao tốc, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; phối hợp với ngành GTVT tập trung thực hiện nhiệm vụ trong công tác phân luồng, điều tiết giao thông, xử lý UTGT...

Ý kiến của bạn

Bình luận