Chưa triển khai bảo đảm ATGT theo phương án được phê duyệt
Công trình sửa chữa cầu đường bộ Trung Hà trên QL32 (Km64+639, vượt sông Đà, nối huyện Ba Vì, Hà Nội và huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bắt đầu được tổ chức thi công từ cách đây hơn chục ngày. Công trình do Sở GTVT Phú Thọ làm chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông Phú Thọ trực tiếp quản lý dự án), kinh phí do Cục Đường bộ VN bố trí (trước mắt là 1,2 tỷ đồng) nhằm sửa chữa các trụ cầu bị xói lở dẫn đến hở đế móng trụ. Dự kiến thời gian thi công từ ngày 29/5 đến hết ngày 24/9/2024.
Để đảm bảo an toàn công trình, phòng tránh việc tiếp tục xói cục bộ bờ sông thuộc phạm vi trụ T13 cầu Trung Hà, Cục Đường bộ VN vừa yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ chỉ đạo nhà thầu thi công tăng thêm mũi thi công, tăng ca kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công và bảo đảm an toàn kết cấu cầu, hoàn thành hai trụ cầu (T12, T13) trước mùa mưa lũ. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sửa chữa trụ T12 để bàn giao mặt bằng thi công cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ triển khai xử lý khẩn cấp kè sạt lở bờ sông tại đây.
Về giao thông thủy, Cục Đường bộ VN cũng yêu cầu Sở GTVT Phú Thọ khẩn trương làm việc với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam về phương án lưu thông đường thủy trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cầu Trung Hà và các phương tiện thủy tham gia giao thông.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, để đảm bảo ATGT đường thủy và hoạt động thi công, ngày 3/5/2024, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I (trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam) có văn bản chấp thuận phương án đảm bảo ATGT đường thủy phục vụ sửa chữa cầu Trung Hà (do Sở GTVT lập, đề xuất). Theo đó, bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy trên bờ, dưới nước và 2 trạm điều tiết ở thượng lưu và hạ lưu cầu để điều tiết, hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông. Tuy nhiên, đến nay công trình mới chỉ lắp đặt hệ thống báo hiệu, còn chưa triển khai chốt trực làm nhiệm vụ điều tiết giao thông thủy theo như phương án được phê duyệt.
Lãnh đạo Đội Thanh tra – an toàn đường thủy số 9 (thuộc Chi cục ĐTNĐ khu vực I) xác nhận, kiểm tra thực tế hiện trường ngày 13/6 cho thấy, công trình chưa tổ chức trạm điều tiết giao thông thủy. Do đó, đơn vị đã làm việc, lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công triển khai thi công theo đúng phương án thi công và triển khai đúng theo phương án đảm bảo ATGT đường thủy đã được phê duyệt để bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông trên tuyến, phương tiện thủy phục vụ thi công.
Đơn vị nào có trách nhiệm đảm bảo ATGT đường thủy?
Tìm hiểu thêm cho thấy, công tác bảo đảm ATGT đường thủy trong quá trình thi công dự án sửa chữa cầu Trung Hà đang gặp vướng mắc, dẫn đến chưa triển khai trạm điều tiết theo phương án được phê duyệt.
Cụ thể, theo Sở GTVT Phú Thọ, từ khi cầu Trung Hà bị xói lở (tháng 12/2023), các phương tiện giao thông đường thủy chỉ đi qua trụ T7 - T8, T8 - T9 khi mực nước sông dâng cao, còn lại khi mực nước sông bình thường thì các phương tiện thủy đi qua trụ T9 - T10, T10 - T11. Vì vậy, để đảm bảo ATGT đường thủy phục vụ thi công, Sở GTVT Phú Thọ đã đề nghị Cục Đường bộ VN cho phép bổ sung gói thầu đảm bảo ATGT đường thủy để phục vụ thi công sửa chữa cầu Trung Hà.
"Tuy nhiên, ngày 22/5/2024, Cục Đường bộ VN có văn bản đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo Chi cục ĐTNĐ khu vực I phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ trong công tác đảm bảo giao thông đường thủy (thông báo thông tin luồng, rà soát hệ thống báo hiệu đường thủy…và các công việc có liên quan khác) để sửa chữa cầu Trung Hà theo đúng quy định", theo Sở GTVT Phú Thọ.
Căn cứ các văn bản trên, ngày 28/5/2024, Sở GTVT Phú Thọ có văn bản (do Phó giám đốc Nguyễn Chí Lợi ký) đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam giao Chi cục ĐTNĐ khu vực I và Công ty CP quản lý bảo trì ĐTNĐ số 9 (đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy sông Đà theo hợp đồng) thực hiện điều tiết phân luồng đường thuỷ theo ý kiến của Cục Đường bộ VN (tại văn bản trên) và điều chỉnh khi luồng tuyến có sự thay đổi để bảo đảm an toàn thi công sửa chữa cầu. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông Phú Thọ và nhà thầu thi công xây dựng để thực hiện công tác đảm bảo giao thông, hạn chế giao thông đường thủy phục vụ thi công.
Đề cập vấn đề trên, ông Phạm Đình Kiêu, Phó chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ khu vực I cho biết, việc điều chỉnh báo hiệu, phao dẫn luồng đường thủy là công tác thường xuyên của cơ quan quản lý, đơn vị trực tiếp quản lý bảo trì luồng tuyến đường thủy. Còn đối với công tác đảm bảo ATGT đường thủy tại công trình đang thi công, theo quy định tại Nghị định số 08/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
"Căn cứ quy định tại Nghị định số 08/2021của Chính phủ và phương án bảo đảm ATGT đường thủy phục vụ thi công sửa chữa cầu Trung Hà do Sở GTVT Phú Thọ lập, đã được Chi cục ĐTNĐ khu vực I chấp thuận, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công có trách nhiệm triển khai theo phương án. Trường hợp thay đổi phương án thi công sửa chữa cầu mà ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, chủ đầu tư phải trình lại phương án đảm bảo ATGT để Chi cục xem xét, chấp thuận. Chi cục đang tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế để báo cáo Cục ĐTNĐ Việt Nam", ông Kiêu cho biết.
Theo Sở GTVT Phú Thọ, hiện nay phía bờ hạ lưu và thượng lưu cầu Trung Hà đang bị sạt lở với tốc độ rất nhanh, chiều dài sạt lở phía thượng lưu khoảng 100 m, phía hạ lưu khoảng 300 m, trong đó tại vị trí trụ T13 sạt lở chỉ còn cách trụ T13 khoảng 5 m.
Từ ngày 28/12/2023, trên cầu Trung Hà được cắm biển báo hiệu đường bộ cảnh báo nguy hiểm, giới hạn tốc độ, trọng tải xe qua cầu và hướng dẫn phân luồng các phương tiện từ tỉnh Phú Thọ đến Hà Nội và ngược lại. Ngoài các loại xe tải (3 trục trở lên) và xe khách trên 29 chỗ ngồi bị cấm qua cầu, các loại phương tiện còn lại được phép lưu thông bình thường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.