Nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” để giảm TNGT

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 19/10/2015 11:04

Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" đã khơi dậy được ý thức tự giác của người dân cũng như sự đồng tình hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp và đạt được kết quả đáng khích lệ.

t8tiep
Tất cả các hành khách đi đò đều được trang bị áo phao tại Bình Dương.(Ảnh: baobinhduong.vn)

Kéo giảm 52,5% số vụ TNGT

Ông Dương Ngọc Tiến, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt  cho biết, trong 5 năm thực hiện cuộc vận động (từ năm 2011 đến hết 6 tháng đầu năm 2015) TNGT trên đường thủy giảm 52,5% số vụ, số người chết giảm 55,3 %, số người bị thương giảm 50,3%. Đây là kết quả đáng kể nhất do cuộc vận động này đem lại.

Để đạt được kết quả này, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng phong trào, Ban ATGT, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” các tỉnh thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh tình hình hoạt động giao thông đường thủy, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT và giữ gìn trật tự xã hội trên đường thuỷ nội địa.

Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ, Thanh tra giao thông đường thủy nội địa, Ban ATGT các quận, huyện, phường, xã… đã có kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy. Kết quả đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 927.057 trường hợp vi phạm, Kho bạc Nhà nước thu 505,7 tỷ đồng, tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn 972 trường hợp, đình chỉ hoạt động 3.908 phương tiện, bến thủy nội địa.

Theo ông Dương Ngọc Tiến, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng các địa phương đã kiến nghị với ngành đường thuỷ nội địa di dời 570 báo hiệu dẫn luồng không phù hợp; phát hiện, bắt giữ 892 trường hợp sử dụng xung điện để đánh bắt thuỷ sản trái phép, chuyển giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định; kiểm tra, xử lý 6.873 trường hợp vi phạm quy định về tạm trú, tạm vắng; đăng ký tạm trú cho 13.431 lượt người.

DSC03557
Lực lượng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Long An kiểm tra bến khách sang sông.( Ảnh conganlongan.gov.vn)

Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân

Sau 5 năm thực hiện, việc xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đã làm khơi dậy trong nhân dân tinh thần và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy, xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông. Mỗi mô hình đều có những điểm mạnh, mang lại những giá trị nhất định trong việc giữ gìn cho sông nước được bình yên.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố đã xây dựng và duy trì hoạt động của 1.618 mô hình. Các mô hình này đã thu hút hàng ngàn người dân tự giác tham gia. Trong đó điển hình là các địa phương: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang…

Trong đó, Bạc Liêu là địa phương xây dựng được nhiều mô hình “văn hóa giao thông đường thủy” nhất toàn quốc với 402 mô hình. Trong quá trình triển khai, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức họp dân, phổ biến để người dân nhận thức được ý nghĩa của cuộc vận động và tự giác thực hiện các tiêu chí của mô hình. Phối hợp với Đài PT-TH và Báo Bạc Liêu, đài phát thanh các huyện xây dựng nhiều chuyên mục, chuyên trang phản ánh về cuộc vận động và các mô hình; tổ chức cho các hộ dân sống dọc các tuyến sông ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; lồng ghép tuyên truyền pháp luật về ATGT với các hoạt động vui chơi giải trí trên các tuyến sông như: đua ghe ngo, đua vỏ máy composite.

Trên cơ sở triển khai đồng bộ các mặt công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, lấy công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân là biện pháp hàng đầu, tại những nơi xây dựng mô hình, Ban chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT, Sở GTVT và Công an địa phương tiến hành mở hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, phòng chống đuối nước, cho thành viên của các tổ tự quản, vận động người tham gia giao thông, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về giao thông đường thủy, trao tặng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân cho chủ bến, chủ phương tiện thủy và người dân làm ăn sinh sống trên sông nước… nên đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền cơ sở, sự hưởng ứng tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức và đông đảo quần chúng nhân dân.

Theo ông Dương Ngọc Tiến, các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả cao trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy, đây cũng là những mô hình tiêu biểu, là cơ sở để Ban chỉ đạo cấp Trung ương nhân rộng và để các địa phương tham quan học hỏi, áp dụng vào công tác xây dựng mô hình “văn hóa giao thông đường thủy” tại địa phương mình.

1252882015_9715
Lực lượng chức năng kiểm tra dụng cụ cứu sinh trên bến đò ngang tại ấp Thống Nhất, tỉnh Bạc Liêu.( Ảnh sogtvt.baclieu.vn)

Tuy nhiên việc thực hiện cuộc vận động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” còn một số hạn chế như: một số địa phương vẫn nặng về tính hình thức mới tập trung cho lễ phát động, rồi buông lỏng hoặc chưa thực hiện đầy đủ theo các nội dung của Cuộc vận động; tại một số địa phương có mạng lưới hoạt động giao thông đường thủy nhiều, nhưng chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện cuộc vận động và xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”; nhiều địa phương tuy đã thành lập Ban chỉ đạo nhưng còn chậm trong triển khai phát động và tổ chức thực hiện; chế độ thông tin báo cáo chưa đầy đủ...

Do đó, để cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tiếp tục được duy trì thực hiện đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới các đơn vị cần tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” trong toàn quốc. Thường xuyên tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm đối với công tác chỉ đạo, giám sát, xây dựng mô hình của các lực lượng chức năng, kết quả hoạt động của các mô hình, kiên quyết thanh loại những mô hình không đạt hiệu quả.

Đồng thời, kết hợp, lồng ghép thực hiện cuộc vận động với các phong trào khác do cấp ủy, chính quyền các cấp phát động thực hiện như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; Chương trình phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em… nhằm phát triển phong trào cả về chiều rộng và chiều sâu.

Ý kiến của bạn

Bình luận