Công an xử lý hiện trường vụ tai nạn giao thông làm ba người chết ở Thanh Hóa ngày 19-7-2015 - Ảnh: Hà Đồng |
Trong văn bản này, C67 thừa nhận dư luận đang quan tâm tới một số quy định trong khoản 6, điều 5 của thông tư, liên quan tới việc CSGT “được trưng dụngcác loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Tình huống cấp bách, CSGT có quyền huy động phương tiện
Theo thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - phó cục trưởng C67, công văn được ban hành nhằm giải thích rõ cho người dân sau khi C67 đã trao đổi với Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an).
Công văn của C67 khẳng định: “Việc trưng dụng phương tiện phải thực hiện theo đúng quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 (điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...).
Trong thực tế, khi thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông mà xảy ra tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng chống tội phạm... CSGT có thể thực hiện quyền hạn huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó”.
Theo thiếu tướng Dánh, trong các trường hợp nói trên ví dụ như: khi xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người; truy bắt tội phạm; cháy nổ..., CSGT có thể đề nghị hoặc yêu cầu sử dụng phương tiện, người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó của cơ quan, tổ chức, người tham gia giao thông đi trên đường để cấp cứu người bị nạn, giải tỏa ùn tắc giao thông, truy bắt tội phạm, cứu hộ, chữa cháy...
“Việc trưng dụng phương tiện chỉ được thực hiện khi có quyết định của bộ trưởng Bộ Công an”, C67 nêu rõ và lưu ý các địa phương thực hiện đúng quy định này.
Chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng công an nhân dân
Ngoài ra, liên quan tới việc kiểm soát giấy tờ của người trên phương tiện (không phải người điều khiển), theo tướng Dánh, chỉ được thực hiện trong hai trường hợp: có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng hoặc căn cứ vào tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông như đua xe trái phép, tội phạm truy nã, buôn bán ma túy...
Theo C67, quy định trên không trái với quy định của pháp luật mà chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng công an nhân dân đã được quy định trong Luật công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể, C67 viện dẫn khoản 15, điều 15 Luật công an nhân dân quy định công an nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn “huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Ngoài ra, tại khoản 18, điều 2, nghị định số 106 ngày 17-11-2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an cũng quy định:
“Trong trường hợp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó...”.
C67 cũng viện dẫn điều 13 Luật công an nhân dân, cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, giúp đỡ công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Đồng thời khẳng định cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng ngay phương tiện, cấp cứu người bị nạn, chở người bị nạn đi cấp cứu nếu điều khiển phương tiện đi qua nơi xảy ra tai nạn theo điều 38 Luật giao thông đường bộ...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.