Mở cao điểm trên diện rộng
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã khẩn trương giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an chủ trì, Sở GTVT phối hợp thành lập ngay các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện với phương châm “làm kiên trì, liên tục, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm”. Theo đó, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều chuyên đề, kết hợp giữa tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm chấn chỉnh các vi phạm. Trong đó, với chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, PC08 đã liên tục tổ chức các đợt ra quân ở nhiều khu vực, đặc biệt là trên các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu.
Thượng úy Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, PC08, Công an TP. Hà Nội cho biết, các đội trên các địa bàn đã được chỉ thị “mật phục” xung quanh khu vực có nhiều quán nhậu, nhà hàng để theo dõi, kiểm tra, xử lý hàng loạt người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. “Khi phát hiện tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn, chúng tôi đã tạm giữ xe, buộc họ đi bằng phương tiện khác về để tránh gây TNGT đáng tiếc”, Thượng úy Trần Quang Chinh thông tin.
Tại Quảng Ninh, vào các buổi tối, cán bộ chiến sỹ của Đội Tuần tra kiểm soát Giao thông số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh được “tung” ra làm nhiệm vụ kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Công tác này được Ban Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Phòng CSGT tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt vào các dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ... Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình - Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát Giao thông số 2 làm Tổ trưởng cùng cán bộ chiến sỹ Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh) đảm nhận nhiệm vụ tập trung xử lý “ma men” cầm lái - người điều khiển phương tiện vi phạm về lỗi sử dụng rượu bia trên các tuyến QL18 đi qua địa bàn TP. Cẩm Phả, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” là lời nhắc nhở và cũng là cảnh báo hậu quả khôn lường do rượu bia gây ra đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tuy nhiên thời gian qua nhiều người vẫn phớt lờ các quy định cấm và cố tình vi phạm.
Tại Hà Tĩnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an TP. Hà Tĩnh còn tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. Để xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Hà Tĩnh đã huy động 100% cán bộ chiến sỹ của Đội, chia làm 3 tổ tuần tra lưu động ở 3 vị trí khác nhau trên địa bàn nhằm ngăn chặn các “ma men” diễu phố. Từ đầu năm đến nay, Đội đã lập biên bản và xử lý 574 trường hợp, tạm giữ toàn bộ 574 phương tiện, 560 Giấy phép lái xe (GPLX) (14 trường hợp còn lại không có GPLX).
Thiếu tá Phạm Duy Thành - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự cho biết, chuyên đề xử lý tài xế có nồng độ cồn được đơn vị triển khai liên tục, quyết liệt từ hơn hai năm nay. Tuy nhiên, sau một loạt vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cả nước do tài xế sử dụng rượu bia có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, Công an TP. Hà Tĩnh đã phát động lễ tuyên truyền phòng ngừa TNGT do sử dụng rượu bia.
Xử lý gần 40.000 trường hợp vi phạm
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.886.097 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 1.199 tỷ đồng; tạm giữ 21.243 ô tô, 258.007 xe mô tô và 2.954 phương tiện khác, đặc biệt đã có hơn 174.000 trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn. Trong đó, qua quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã phát hiện và xử lý 239 tài xế dương tính với ma túy, 73.164 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Như vậy, trung bình một tháng có 40 trường hợp lái xe dương tính với ma túy bị xử lý và khoảng hơn 12.000 tài xế có hơi men bị xử phạt. Những địa phương có kết quả xử lý cao như: TP. Hồ Chí Minh (3.295 trường hợp); Phú Thọ (2.520 trường hợp); Bến Tre (2.169 trường hợp); Cần Thơ (2.132 trường hợp); Tây Ninh (2.807 trường hợp); Đắk Lắk (1.449 trường hợp), Quảng Ninh (1.213 trường hợp)...
Chỉ tính riêng trong hơn 20 ngày triển khai thực hiện tổng kiểm soát xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bảo đảm TTATGT - trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (đợt 1 từ ngày 21/01 đến ngày 30/01/2019, đợt 2 từ ngày 11/02 đến ngày 20/02/2019), lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 182 lái xe dương tính với ma túy. Trong đó, trên tuyến QL1A đã phát hiện, xử lý 73 trường hợp; trên các tuyến cao tốc phát hiện, xử lý 9 trường hợp; các tuyến đường khác phát hiện, xử lý 100 trường hợp. Các địa phương phát hiện nhiều trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy gồm TP. Hồ Chí Minh (27 trường hợp), Bà Rịa - Vũng Tàu (23 trường hợp), Nghệ An (12 trường hợp), Lào Cai (10 trường hợp), Sơn La (10 trường hợp)...
Trước những diễn biến phức tạp về TTATGT trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích, Cục CSGT đã có Kế hoạch tăng cường xử lý các vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ trong cả nước.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn luật, Điều tra và Xử lý TNGT (Cục CSGT), thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ chủ động phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm về nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần kiềm chế, giảm TNGT. Từ đó, các cơ quan, lực lượng chưc năng đánh giá được thực trạng người điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy và chất kích thích khác khi tham gia giao thông, đồng thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong quản lý người lái xe để kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục.
Bên cạnh các tuyến giao thông đường bộ trong cả nước, lực lượng Công an còn tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm tại các nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng quán ăn; khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy... Lực lượng CSGT là nòng cốt trong thực hiện kế hoạch này, phối hợp với các lực lượng khác thành lập các tổ tuần tra kiểm soát theo chuyên đề này. Khi kiểm tra phát hiện người điều khiển phương tiện dương tính với chất ma túy, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm soát để phát hiện tang vật, dụng cụ sử dụng ma túy, kiểm tra đối chiếu kỹ giấy tờ tùy thân, nắm bắt về loại ma túy, thời gian sử dụng, quá trình khám sức khỏe, học và sát hạch cấp GPLX... Các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy phải được thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú, qua đó có biện pháp quản lý theo quy định và thông báo, kiến nghị ngành GTVT, Y tế có biện pháp quản lý công tác khám sức khỏe, đào tạo sát hạch, cấp GPLX. Đồng thời, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ như cướp giật, đối tượng có lệnh truy nã; vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại; chống người thi hành công vụ… Khi gặp các hành vi chống đối, CSGT phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.