CTCPĐT Phát triển và Xây dựng giao thông 208-45 năm xây dựng và phát triển

Tác giả: K.H

saosaosaosaosao
Doanh nhân 06/12/2015 06:27

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, sau nhiều lần đổi tên Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Giao thông 208 vẫn giữ gìn truyền thống, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước xây dựng Công ty không ngừng phát triển.

ảnh nhận cờ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Ngọc Hoa thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua cho Công ty 208

Những trang sử hào hùng

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng giao thông 208 ngày nay, tiền thân là Đoạn Quản lý quốc lộ Hà Nội với nhiệm vụ bảo đảm giao thông thủy, bộ tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô. Ngày 9/12/1970, Bộ GTVT đã ra Quyết định số 3274/QĐ-TC thành lập Đoạn Quản lý Quốc lộ Hà Nội trực thuộc Cục Quản lý Đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Trên cơ sở tiếp nhận toàn bộ cán bộ CNVC của bến phà Chèm, bến phà Thượng Cát, Chương Dương, Khuyến Lương, các Hạt giao thông phía Nam thị trấn Văn Điển, Hạt giao thông phía Bắc Gia Lâm - Đông Anh của Đoạn bảo dưỡng đường bộ 2 thuộc Sở GTVT Hà Nội đang quản lý. Quyết định nêu rõ: Chấp hành triệt để mệnh lệnh của Cục Quản lý Đường bộ thực hiện tốt nhiệm vụ ứng cứu đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống thiên tai địch họa khẩn cấp, bao gồm cầu đường, các cầu phao bến phà vượt sông Hồng.

Tất cả vì mục tiêu đảm bảo giao thông các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô phải liên tục thông suốt và an toàn. Với tầm quan trọng đặc biệt có tính chiến lược, chiến thuật lâu dài của cả thời chiến lẫn thời bình về nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt các cửa ngõ Thủ đô, nếu bị địch đánh phá ác liệt thì dẫn đến hậu quả không lường, do đó Trung ương Đoàn Thanh niên, Cục Quản lý Đường bộ và Đoạn quốc lộ Hà Nội đã biên chế chính thức các Đại đội Thanh niên xung phong về phối thuộc với các đơn vị của Đoạn; Đó là các đơn vị quản lý cầu phao, bến phà, các hạt quản lý phía Nam, phía Bắc Thủ đô. Đây chính là bối cảnh ra đời Đoạn quản lý Quốc lộ Hà Nội tiền thân của Công ty Cổ phần ĐTPT&XDGT 208 ngày nay.

Khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, chúng đã huy động lực lượng nhằm huỷ diệt Thủ đô Hà Nội, mà mục tiêu chính là phá hoại các cơ quan đầu não của TW đóng trên địa bàn, các tuyến giao thông trọng điểm bao gồm QL1 thị trấn Văn Điển, cầu Long Biên, QL1 thị trấn Long Biên, Yên Viên, các bến phà Chèm, Thượng Cát, Chương Dương và Khuyến Lương.

Hàng trăm thanh niên xung phong và công nhân đóng tại các địa điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Có ngày chúng ném bom  2 - 3 lần bất kể ngày đêm. Địch ném bom phá cầu, đường bến phà và cầu Long Biên vì đây là đầu mối giao thông quan trọng, mạch máu giao thông nối Thủ đô với vùng Kinh Bắc. Với tinh thần “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đoàn thanh niên, Cục Quản lý Đường bộ và trực tiếp là Đoàn thanh niên Đoạn, đội quân được tôi luyện trong thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất, với ý chí kiên cường, khí thế hào hùng với khẩu hiệu: Mưa xông ra, bão xông ra, địch đánh cũng xông ra, không có phương tiện cơ giới, chỉ bằng phương tiện thô sơ như cuốc xẻng, xà beng, xe cải tiến, quang gánh... Toàn lực lượng hừng hực khí thế ai cũng xả thân vào đào đất, lấp hố bom, thu dọn sắt thép vật liệu ngổn ngang, dầm mình xuống nước bốc vác hàng chục khối đá hộc bị bom cày sới các mặt bến phà đổ xuống sông Hồng, đảm bảo giao thông và các bến phà lại tiếp tục hoạt động, ca nô lại tiếp tục dắt phà chở phương tiện vận tải qua sông Hồng, xe ô tô lại tiếp tục lăn bánh qua cửa ngõ Thủ đô để vào Nam, ra Bắc.

Trong những trận địch đánh phá ác liệt và các trọng điểm hầu hết công nhân và TNXP đều thể hiện ý chí kiên cường tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ, xông vào những chỗ bom rơi, lửa đạn. Điển hình như những trận ném bom năm 1972 rất ác liệt, QL1 thị trấn Văn Điển hàng chục quả bon đánh trúng đường, tạo thành những hố sâu rộng nối tiếp làm cho QL bị đứt đoạn. Có thời gian địch ném bom lặp đi lặp lại nhiều lần trong tháng, trong tuần, lực lượng công nhân và TNXP hạt Nam đã túc trực sẵn sàng tại trọng điểm để ứng cứu kịp thời cả 3 ca liên tục, san lấp hố bom cả ngày lẫn đêm, đảm bảo thông đường, thông xe kịp thời. Tuy không một ai thương vong, nhưng một số người bị sức ép, hoặc bị ngất, do được cấp cứu kịp thời tại chỗ cộng thêm ý chí sắt đá, lòng căm thù giặc Mỹ, các anh các chị đã quên đi cái đau về thể xác. “Sống bám đường, bám cầu”, các anh các chị lại tay cuốc, tay xẻng hăng say "đường chưa thông, phà chưa nối, chưa thể nghỉ ngơi".

Tại QL1 khu vực thị trấn Long Biên, Yên Viên cũng là mục tiêu của địch ở cửa ngõ phía Bắc, địch cũng tăng cường đánh phá, máy bay địch bị quân và dân ta bắn trả quyết liệt nhưng ban đêm chúng vẫn điên cuồng trút bom xuống đường, xuống các ga đường sắt, hòng làm tê liệt trung tâm chỉ huy, ngăn chặn nguồn tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Do được bố trí lực lượng công nhân và TNXP trên 100 người của hạt Bắc cắm chốt tại chỗ đã thi công kịp thời ứng cứu tích cực nên đường lại thông, xe lại lăn bánh, mọi người lại phấn khởi và rất đỗi tự hào.

Xây dựng đất nước

Trong thời chiến phải đảm bảo giao thông trong mọi tình huống đã khó khăn gian khổ, bước vào thời bình thì nhiệm vụ xây dựng đất nước càng khó khăn hơn và đòi hỏi mỗi người phải ra sức phấn đấu thi đua lao động đạt năng suất cao nhằm kiến thiết lại đất nước sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá.

Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Đoạn có 11 đơn vị trực thuộc, bao gồm 3 hạt giao thông. Thời gian này, Cục Đường bộ giao cho Đoạn thêm nhiệm vụ mới là sửa chữa thường xuyên, trung đại tu cầu đường thuộc tất cả các đường ra vào Thủ đô như QL1 từ Thường Tín vào nội thành, qua cầu phao Chương Dương, đường Nguyễn Văn Cừ, qua cầu chui Gia Lâm đến Cầu Đuống lên tỉnh Bắc Ninh, từ cầu chui Gia Lâm đến hết huyện Mê Linh, QL5 từ cầu chui Gia Lâm đến giáp tỉnh Hải Hưng, từ cầu chui Gia Lâm qua Văn Giang trở vào bến Khuyến Lương.

Những người thợ chỉ quen với công việc lai dắt, đảm bảo giao thông thủy nay lại tiếp tục thêm nhiệm vụ mới là xây dựng và sửa chữa cầu đường, trong lúc cả nước đang tiến hành xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Năm 1980, do yêu cầu nhiệm vụ vượt sông với lưu lượng xe và người ra vào Hà Nội mật độ ngày càng tăng, cầu Long Biên đã cũ kỹ, già nua không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, trong khi chưa có cầu Chương Dương, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã giao cho Đoạn mua sắm lắp ráp thêm một dây cầu phao Chương Dương được gọi là cầu phao đôi. Đây là một nhiệm vụ mới rất khó khăn nhưng những người thợ đã vượt qua tất cả để hoàn thành chiếc cầu phao đôi, xe ô tô đi lại 2 chiều, giảm tải giao thông cho cầu Long Biên.

Từ khi cầu phao đôi Chương Dương được đưa vào sử dụng, công tác lai dắt ca nô tại các bến chỉ được tăng cường vào mùa lũ. Nhằm đảm bảo giao thông, Đoạn được Bộ GTVT đầu tư kinh phí mua sắm mới trên 600 phao sông Hồng và toàn bộ thiết bị để lắp ráp đủ 4 dây cầu phao nhằm đáp ứng ngay cho công tác vận tải qua sông Hồng do cầu Long Biên bị hỏng nặng xuống cấp nghiêm trọng. Ngày thông cầu phao đôi đánh dấu một bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ công nhân viên của Đoạn. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng các chuyên gia cầu đường của Liên Xô đến dự lễ thông cầu. Đây là một mốc son của cán bộ công nhân viên Đoạn thời bấy giờ nói riêng và hôm nay.

Năm 1981 do năng lực và trình độ quản lý của Đoạn có một bước trưởng thành vững vàng, nên Bộ GTVT đã giao cho Đoạn tiếp nhận toàn bộ các Hạt quản lý cầu đường, các bến phà cầu phao của Hà Tây, Hà Nam trên đường QL1 và tiếp nhận thêm Hạt cầu Gừng - Phủ Lý, Hà Nam; Hạt Hoa Lư, Hạt thị xã Ninh Bình…

Tuy lúc này đã chuyển sang thời bình nhiệm vụ được giao rất lớn nhưng toàn thể CBCNV cũng đã phấn đấu không ngừng liên tục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh hàng năm về các hạng mục công trình trung đại tu và sửa chữa mặt cầu đường trên lý trình dài 100 km từ Hà Nội vào đến Dốc Xây, Thanh Hóa quản lý khai thác tốt nhất 6 cầu phao bến phà mà đặc biệt là Đoạn đã thi công, quản lý khai thác cầu phao Chương Dương (cầu phao đôi) tốt nhất, có hiệu quả kinh tế và vận tải cao, giảm đáng kể việc UTGT tại cửa ngõ thủ đô khi cầu Long Biên quá tải do hậu quả chiến tranh  trong suốt thời gian dài, đã không xảy ra sự cố gây ách tắc giao thông và thiệt hại về người và tài sản, phương tiện. Với những thành tích đạt được cả thời chiến và thời bình nên đã được Bộ GTVT đề nghị Hội đồng Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho CB-CNV Đoạn Quản lý Quốc lộ Hà Nội năm 1982.

Sau 12 năm xây dựng, trưởng thành, Đoạn đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý xây dựng cầu đường, quản lý và khai thác triệt để cầu phao, bến phà. Một lần nữa được Bộ GTVT rất tin tưởng giao Đoạn quản lý toàn bộ gồm 50 canô dự phòng, trên 500 phao sông Hồng, trên 300 phao NV6 công binh của Bộ Quốc phòng và toàn bộ sắt thép vật tư phương tiện dự trữ quốc gia của toàn ngành GTVT để sẵn sàng ứng cứu đảm bảo giao thông phục vụ toàn bộ các bến phà, cầu phao trên phạm vi toàn quốc khi có thiên tai địch họa khẩn cấp.

Từ tính chất và đặc thù nhiệm vụ đại diện cho ngành GTVT về lĩnh vực ứng cứu vượt sông, có tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi tổ chức phải đựơc phát triển nâng lên đúng tầm cỡ và quy mô rộng lớn, nên Bộ GTVT đã quyết định chuyển Đoạn Quản lý Quốc lộ Hà Nội thành Xí nghiệp Quản lý Sửa chữa Giao thông TW 208 vào năm1983.

Nhiệm vụ chính của Xí nghiệp là làm xây dựng cơ bản cầu đường bộ, duy tu, trung đại tu cầu đường trên các lý trình được giao đang quản lý. Cũng trong thời kỳ này do cách làm và cơ chế khoán Ban lãnh đạo Xí nghiệp và cán bộ công nhân viên đã hăng say lao động, tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập, đời sống cán bộ công nhân viên được bảo đảm. Nhiều công trình như đắp đường, thảm mặt đường QL1A đoạn Hà Nam - Ninh Bình, các công trình tại Hòa Bình, Sơn La và Lạng Sơn đều ghi dấu những bước chân của cán bộ kỹ sư của Xí nghiệp.

Bên cạnh đó, Xí nghiệp tiếp tục quản lý khai thác 6 cầu phao bến phà cho đến khi xây dựng xong cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Đoan Vỹ và cầu Gián Khẩu. Đặc biệt là xây dựng các cầu nhỏ ở các tỉnh phía Tây Bắc như cầu Bản Lánh, cầu Tà Vài...

Để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên Xí nghiệp đã từng bước đầu tư kinh phí mua sắm lắp đặt 5 trạm bê tông asphalt để tự sản xuất bê tông nhựa nóng rải thảm mặt đường cho nhiều công trình đại tu đường bộ toàn miền Bắc.

Năm 1984, Xí nghiệp Quản lý sửa chữa giao thông TW 208 đã có nhiều cố gắng đóng góp cho ngành GTVT, đồng thời do yêu cầu nhiệm vụ nên Xí nghiệp đã mở rộng mối quan hệ trên dưới, trong và ngoài ngành. Với những thành tích xuất sắc trong thời chiến cũng như thời bình của toàn thể CBCNV trong suốt thời gian dài tháng 8 năm 1985, đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước tặng thưởng gần 100 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và gần 50 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì cho CBCNVC.

Với nhiều lần thay đổi tên đơn vị, tuy nhiên nhiệm vụ không thay đổi mà còn được giao thêm nhiệm vụ, khó khăn nhất là lần đầu tiên của Ngành Cầu đường Việt Nam thu phí cầu đường thì Công ty 208 là nơi thí điểm đầu tiên thu phí cầu Chương Dương ngay Thủ đô Hà Nội từ năm 1991. Để phù hợp và đáp ứng được nhiệm vụ, Công ty đã thành lập đội thu phí cầu Chương Dương với biên chế chính thức trên 100 CBCNV đóng tại đường Nguyễn Văn Cừ - Gia Lâm. Xây dựng trạm bê tông Phú Viên, Hà Nội để thảm hầu hết các tuyến đường Hà Nội (vì thời gian này Sở GTVT Hà Nội chưa lắp đặt trạm bê tông asphalt), thảm từ Cầu Chui qua Bắc Ninh, Bắc Giang. Xây dựng trạm bê tông Đồng Mỏ, Lạng Sơn để thảm các tuyến đường nội thị, thị xã Lạng Sơn và thảm QL1 từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang. Xây dựng trạm Hoà Bình đóng tại thị xã Hoà Bình để thảm QL6 từ thị xã trở lên.

Công ty đã tham gia đấu thầu xây dựng với công trình giao thông đường bộ khu vực phía Bắc và đã trúng thầu nhiều công trình có giá trị sản lượng lớn như: Tại Hà Nội thi công mở rộng QL32, cải tạo nâng cấp rải thảm bê tông nhựa đường Bạch Mai, phố Huế, đường Ngọc Khánh, Liễu Giai, đường Nam Thăng Long và Bắc Thăng Long, mở rộng nâng cấp rải thảm đường Thái Hà, thi công xây dựng đường Mỹ Đình vào sân vận động, thi công trọn gói đường nội đô thành phố Lạng Sơn, thi công xây dựng cầu Văn Điển.

Năm 1995, đơn vị trúng thầu thi công xây dựng mới 4km đường QL18 tại khu vực Đông Triều - Quảng Ninh. Các năm sau đó tiếp tục trúng nhiều gói thầu lớn mở rộng QL18 như 20km từ Mông Dương đến km180 để đảm bảo được nhiệm vụ Công ty đã lắp đặt Trạm bê tông asphalt tại Gốc Thông km173. Sau khi thi công hoàn thành, Công ty lại trúng thầu mở rộng và thảm mặt đường khu vực thị trấn Tiên Yên  gần 15km, một lần nữa Trạm bê tông lại được chuyển lên đóng tại thị trấn Tiên Yên thi công gần 2 năm hoàn thành nhiệm vụ bàn giao cho các đơn vị quản lý tỉnh Quảng Ninh.

Năm 1992, Bộ Giao thông và Bưu điện đã quyết định tách đội thu phí cầu Chương Dương, đội quản lý sửa chữa cầu Chương Dương thành lập Phân khu quản lý đường bộ 234 trực thuộc Khu Quản lý đường bộ 2.

Năm 1993 - 1994, Bộ GTVT tách chuyển Công ty Sửa chữa công trình giao thông 208 về trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời giai đoạn này Công ty được công nhận là doanh nghiệp Hạng I theo Quyết định số 1489/TCCB-LĐ ngày 16-9-1994 của Bộ GTVT.

Năm 1995, Bộ GTVT quyết định tách chuyển Công ty công trình giao thông 208 về trực thuộc Tổng công ty Xây dựng miền Trung nay là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4. Nhiệm vụ chính của Công ty thời gian này chỉ còn nhiệm vụ xây dựng cơ bản các công trình giao thông cầu, đường bộ tại khu vực miền Trung và miền Bắc. Nhiều công trình Công ty đã trúng thầu như QL10 Hưng Yên - Thái Bình, cầu Tân Đệ, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… Bước vào cơ chế thị trường, do có sự cạnh tranh khốc liệt, nên các đơn vị xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ của Tổng công ty XD CTGT 4 cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể cán bộ công nhân viên. Cải tiến hoàn thiện và tuân thủ quy chế điều hành sản xuất kinh doanh, phát huy dân chủ, thực hiện công khai minh bạch về tài chính. Công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định phát triển, lấy lại uy tín thương hiệu trên thương trường.

Cổ phần hóa hướng đi đúng đắn

Năm 2006, Công ty Công trình giao thông 208 chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng giao thông 208 với vốn điều lệ là 10,5 tỷ đồng, trong đó: Tổng công ty XDCTGT 4 chiếm 51%, Cổ đông công ty chiếm 49 %.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Công ty trong tình hình mới, khi tiến hành cổ phần hóa, Công ty đã giải quyết lao động dôi dư theo Nghị định 41 của Chính phủ. Thành công nhất của Công ty là đã giải quyết chế độ thỏa đáng, 100% số cán bộ công nhân viên sau khi nghỉ theo Nghị định 41 đều được giải quyết kịp thời, đúng chế độ, chính sách. Theo đánh giá của cơ quan kiểm toán độc lập tại thời điểm cổ phần hóa, giá trị tài sản, thiết bị của Công ty là 11 tỷ đồng.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý vật tư, thiết bị máy móc từ lý lịch theo dõi đến phần mềm dữ liệu hiện đại; Công ty đã đầu tư mới, hoàn thiện công nghệ thi công mặt đường bê tông nhựa, mua mới các loại máy thi công với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2010 - 2014, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Nên nhiều công trình trong xây dựng cơ bản nói chung và trong ngành GTVT nói riêng đã bị cắt giảm vốn đầu tư hoặc dãn tiến độ, do vậy có ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty, việc làm và đời sống người lao động. Nhưng Ban lãnh đạo Công ty đã định hướng việc làm, tập trung chỉ đạo khai thác triệt để mọi khả năng hiện có, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình có nguồn vốn, mở rộng địa bàn hoạt động, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan và sự hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ của cấp trên. Do vậy, trong các năm qua Công ty 208 đã có đủ việc làm cho người lao động và gối đầu cho các năm tiếp theo, cụ thể là các công trình: Gói thầu 3.2 Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường dẫn cầu Nhật Tân gói 1,3; Tân Vũ - Lạch Huyện; Nâng cấp QL1 Bình Thuận; Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Gói 4A ,7, Gói 8; Đường nối sân bay Nội Bài - Nhật Tân gói 1; Gói 6XL, 9XL đường tỉnh 127 Nậm Nhùn - Mường Tè.

Năm 2010, giá trị sản lượng đạt trên 205 tỷ đồng, doanh thu trên 164 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động (thu nhập bình quân) đạt 4,4 triệu đồng; năm 2011 giá trị sản lượng đạt trên 142 tỷ đồng, doanh thu trên 165 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng; năm 2012 giá trị sản lượng đạt trên 201 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng; năm 2013 giá trị sản lượng đạt trên 260 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 247 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần 7,5 triệu đồng; năm 2014 giá trị sản lượng đạt trên 471 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 429 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 8,4 triệu đồng.

Hiện nay, Công ty có 5 phòng nghiệp vụ và 4 đội công trình, với 186 cán bộ công nhân viên (có 37 nữ và 149 nam). Trong đó có trình độ đại học, trên đại học, cao đẳng 91 người; trung cấp 16 người, công nhân kỹ thuật 79 người.

Năm 2015, Công ty đã đầu tư hoàn thiện dây chuyền thi công bê tông nhựa, mua mới trạm trộn SPECO (Hàn Quốc) theo tiêu chuẩn châu Âu (160T/h), máy rải VOGELE (Đức) và dây chuyền lu lèn với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty 208 phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với mức tăng 10% so với năm 2014; thu nhập bình quân người lao động từ trên 9,2 triệu/người/tháng và xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2015 - 2020 với sản lượng tăng, đảm bảo nộp ngân sách nhà nước và không ngừng nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên cả về vật chất và tinh thần.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Giám đốc Công ty 208 cho biết, tiếp bước bề dày truyền thống 45 năm xây dựng, các thế hệ cán bộ công nhân viên Công ty đang nỗ lực hết mình để viết tiếp những trang sử của Công ty. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi nguyện đồng lòng, đoàn kết xây dựng Công ty ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống thế hệ đi trước đã mở đường, xây dựng nên Công ty 208 ngày hôm nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận