Cụ thể hóa nhiều điểm trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Tác giả: Lê minh

saosaosaosaosao
Bạn đọc 27/07/2020 10:43

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi) để thay thế Luật GTĐB năm 2008 với nhiều điểm mới, khắc phục những điểm bất cập hiện nay, đồng thời luật hóa các cam kết quốc tế và đưa ra khung pháp lý để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, những xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu TNGT và UTGT.

Anh 2 (2)
Lực lượng CSGT TP. Hà Nội xử lý xe khách vi phạm trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội)

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Dự thảo Luật GTĐB lần này được Bộ GTVT sửa đổi trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB năm 2008, bao gồm các nội dung: quy tắc GTĐB; kết cấu hạ tầng GTĐB; phương tiện và người tham gia GTĐB; vận tải đường bộ; quản lý nhà nước về GTĐB.

Trong đó, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) sẽ giải quyết toàn diện bất cập hiện tại, trong đó có những “điểm nóng” như: quy định riêng các vấn đề về đường cao tốc (quy mô đường cao tốc; quản lý, bảo trì, tham gia giao thông trên đường cao tốc; nguyên tắc lùi, vượt trên đường cao tốc); phân loại lại loại hình phương tiện, đảm bảo sự hài hòa giữa taxi truyền thống/taxi công nghệ, xe tuyến cố định/xe hợp đồng limousine...

Cấm sử dụng điện thoại khi lái xe

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) là quy định rõ hơn việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm.

Luật GTĐB năm 2008 chỉ quy định người điều khiển xe mô tô 2 - 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động mà không quy định đối với người điều khiển xe ô tô.

Đối với ô tô, Luật GTĐB năm 2008 mặc dù chưa quy định cấm hành vi sử dụng điện thoại đối với người lái ô tô nhưng trước sự nguy hiểm của hành vi này, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt quy định chế tài xử phạt với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường là từ 1 - 2 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 600 - 800 nghìn đồng); mức phạt vi phạm này ở người điều khiển xe máy là 600 nghìn - 1 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với trước đây (chỉ phạt từ 100 - 200 nghìn đồng). Đồng thời, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Trung tá Nguyễn Trung Thành - nguyên cán bộ Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, quy định của Luật GTĐB (sửa đổi) ngoài dùng tay sử dụng điện thoại thì việc dùng thiết bị âm thanh (trừ máy trợ thính) cũng bị xử phạt là rất đúng với tình hình thực tế.

“Thời gian qua đã có nhiều trường hợp gây tai nạn do sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông hoặc vừa lái xe vừa đeo tai nghe để nghe nhạc, nghe điện thoại. Nhiều trường hợp vì mải nghe điện thoại, tập trung vào bài hát qua tai nghe mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng sai, không dừng đèn đỏ... gây mất ATGT”, ông Thành dẫn chứng.

Điều khiển xe máy dưới 50 cm3, xe máy đều phải có gPLX hạng A1

Đáng chú ý, Dự thảo Luật lần này bổ sung các quy định cấp GPLX hạng A1 cho người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đối tượng này sẽ chỉ được điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Còn đối với người từ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A1 thì được điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh đến 125 cm3.

Ngày 29/6, theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, sau giờ tan học, nhiều học sinh tại Hà Nội vô tư không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, qua đường không bật xi-nhan, vượt đèn đỏ, không giảm tốc độ khi gặp các ngã rẽ gần cổng trường. Nhiều học sinh THPT đi xe máy dưới 50 phân khối, xe đạp điện với tốc độ trên 30 km/h... Theo quy định hiện hành, những người đi các loại xe này thì không cần giấy phép lái xe.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 90% số vụ TNGT trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16 - 18 (học sinh THPT). Bậc THPT hiện có 52% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về GTĐB.

Chia sẻ về dự thảo cấp giấy phép lái xe hạng A1, bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục ĐBVN) cho biết, việc quy định hạng giấy phép lái xe A1 trong Dự thảo Luật này là để phù hợp với các quy định của Công ước Vienna, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tế là người điều khiển phương tiện xe cơ giới phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

“Lợi ích của việc học và thi giấy phép lái xe A1 là được bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển xe. Xã hội sẽ có một môi trường giao thông an toàn và hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, góp phần giảm chi phí xã hội”, bà Hạnh chia sẻ.

Phân định rõ hoạt động vận tải, tiến tới “xóa sổ” “xe dù, bến cóc”

Đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, Dự thảo Luật đã phân loại lại từ 5 loại hình xuống thành 3 loại hình gồm: xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng. Trong đó, loại hình xe buýt bao gồm xe buýt nội tỉnh và xe buýt liên tỉnh được gộp từ hai loại hình vận tải có cùng tính chất (tuyến, biểu đồ chạy xe và lộ trình ổn định) được quy định trong Luật GTĐB năm 2008 là vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt.

Loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng này được ghép từ hai loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải hành khách du lịch quy định trong Luật GTĐB năm 2008, đồng thời quy định sức chứa ô tô từ 9 chỗ trở lên giúp tránh tình trạng có hai quy định riêng đối với hai loại hình dịch vụ có cùng bản chất (xe taxi và xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng).

Loại hình taxi bao gồm vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch bằng xe ô tô dưới 9 chỗ được quy định trong Luật GTĐB 2008 vì có cùng bản chất dịch vụ.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, việc gộp 5 loại hình vận tải thành 3 loại hình theo dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) là cần thiết. “Hy vọng dự thảo này sẽ giúp tăng hiệu quả quản lý, cải thiện thị trường vận tải theo hướng lành mạnh, bình đẳng hơn, là hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết tận gốc vấn nạn “xe dù”, “bến cóc” như hiện nay”, ông Hải nhấn mạnh.

Để xóa bỏ tình trạng xe chở quá tải, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) cũng sẽ hướng đến quy định xe ô tô vận tải, đặc biệt là xe chở hàng rời, vật liệu phải xếp hàng hóa dưới thành thùng 10 cm và che phủ kín. Quy định phạt từ lái xe đến nơi bốc xếp hàng hóa, chủ hàng đối với xe chở quá tải cũng sẽ được luật hóa để hoạt động kinh doanh vận tải trên đường bộ trật tự, an toàn hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận