Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ gì?

Tác giả: HL

saosaosaosaosao
Xã hội 26/09/2022 20:51

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ VN và Cục Đường cao tốc VN, 2 đơn vị tách ra từ Tổng cục Đường bộ VN. Các quyết định này có hiệu lực từ 1/10/2022.

photo-1663924834106

Cục đường bộ quản lý và bảo trì các tuyến quốc lộ (ảnh minh hoạ)

Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối

Quyết định số 1218/QĐ-BGTVT ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: Cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật. 

Cục Đường bộ Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.

photo-1663924836628

Cục Đường bộ Việt Nam được giao tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật (ảnh minh hoạ)

Cục Đường bộ Việt Nam có 16 nhiệm vụ, gồm: xây dựng để Bộ trưởng Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành;

Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc);

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc);

Quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh);

Quản lý vận tải đường bộ; An toàn giao thông đường bộ; Bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc);

Thực hiện hợp tác quốc tế giao thông vận tải đường bộ theo phân cấp, uỷ quyền (trừ đường bộ cao tốc);

Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ (trừ đường bộ cao tốc); xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm dịch vụ thông tin phục vụ quản lý nhà nước chuyên ngành;

Thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Cục Đường bộ Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Nhà nước và của Bộ Giao thông vận tải.

Quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng; thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

Quản lý tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao và theo quy định của pháp luật...

photo-1663924838566

Bảo trì đường bộ (ảnh minh hoạ)

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường bộ Việt Nam có 14 đầu mối bao gồm:

1. Phòng Tổ chức - Hành chính.

2. Phòng Pháp chế - Thanh tra.

3. Phòng Kế hoạch - Đầu tư.

4. Phòng Tài chính.

5. Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

6. Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái.

7. Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế.

8. Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

9. Khu Quản lý đường bộ I.

10. Khu Quản lý đường bộ II.

11. Khu Quản lý đường bộ III.

12. Khu Quản lý đường bộ IV.

13. Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ.

14. Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.

Trong quyết định cũng nêu các điều khoản chuyển tiếp các đơn vị: Ban Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 5, Ban Quản lý dự án 8, Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ, Cụm phà Vàm Cống, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 và Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 4 tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.

Cục Đường bộ Việt Nam kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam) phù hợp với quy định của pháp luật.

photo-1663924840516

Cục Đường cao tốc VN quản lý các tuyến cao tốc

Cục Đường cao tốc Việt Nam có 6 đầu mối

Theo Quyết định số 1219/QĐ-BGTVT quy định: Cục Đường cao tốc Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Cục Đường cao tốc có 15 nhiệm vụ bao gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đường bộ cao tốc trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở đường bộ cao tốc;

Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án và các văn bản khác liên quan đến đường bộ cao tốc; tổng hợp tình hình phát triển đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước;

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ cao tốc; tổ chức điều tra tai nạn lao động xảy ra trên phương tiện vận tải lưu hành trên đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật;

Quản lý đầu tư và xây dựng; Thực hiện khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc theo phân cấp, uỷ quyền;

Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương được giao là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc theo quy định; tham mưu cho Bộ GTVT thực hiện các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phân cấp cho địa phương;

Bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải đường bộ cao tốc;

Thực hiện hợp tác quốc tế giao thông đường bộ cao tốc theo phân cấp, uỷ quyền;

Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm dịch vụ thông tin phục vụ quản lý nhà nước về đường bộ cao tốc;

Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Cục Đường cao tốc Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Nhà nước và của Bộ Giao thông vận tải;

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật;

Quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng; thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật;

Quản lý tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng;

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao và theo quy định của pháp luật.

photo-1663924842470

Cục Đường cao tốc được giao quản lý đầu tư và xây dựng; Thực hiện khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc theo phân cấp, uỷ quyền

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường cao tốc có 6 đầu mối:

1. Văn phòng.

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính.

3. Phòng Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác.

4. Phòng Pháp chế - Đấu thầu.

5. Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế.

6. Trung tâm Kỹ thuật và Điều hành giao thông đường bộ cao tốc.