Đại học Công nghệ GTVT lấy công nghệ số làm "đòn bẩy" cho đào tạo và nghiên cứu khoa học

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 26/04/2023 06:33

“Đón” những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh chuyển đổi số là những nội dung luôn được Trường Đại học Công nghệ GTVT chú trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

Nâng cao chất lượng nhân lực 4.0

Tại lễ ra mắt Nhóm Nghiên cứu mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong GTVT (I4T) để phát triển và ứng dụng vào lĩnh vực GTVT năm 2021, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT đã nhấn mạnh việc thành lập Nhóm là đúng đắn và rất phù hợp với tình hình thực tế khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GTVT. Đồng thời, việc thành lập Nhóm nghiên cứu mạnh cũng là để triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 theo Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại học Công nghệ GTVT lấy công nghệ số làm "đòn bẩy" cho đào tạo và nghiên cứu khoa học - Ảnh 1.

TS. Đỗ Ngọc Chung - chuyên gia cấp cao Đổi mới sáng tạo định hướng khởi nghiệp cho sinh viên

"Cùng với 5 nhóm nghiên cứu mạnh đã thành lập trước đó, đây sẽ là lực lượng quan trọng để thực hiện các nội dung của Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Nhà trường trong giai đoạn sắp tới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín và vị thế của Trường Đại học Công nghệ GTVT", PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Nhận định về vai trò, ý nghĩa cuộc cách mạng 4.0, TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho rằng việc tiếp cận và ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng này vào cuộc sống đang trở nên rất cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực và của mỗi quốc gia. Thực hiện triết lý đào tạo "Ứng dụng - Thực học - Thực nghiệp" cùng với việc nắm bắt xu thế của thời đại, trong những năm qua, các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ của Trường Đại học Công nghệ GTVT đều tập trung theo hướng giải mã công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và robotics được ứng dụng vào trong các lĩnh vực của ngành GTVT và các ngành kinh tế quốc dân. Song song với đó, Nhà trường cũng đã mở các chuyên ngành đào tạo về "Trí tuệ nhân tạo và giao thông thông minh" nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh cho ngành GTVT và đất nước.

Theo đó, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên ngành đã được Nhà trường tổ chức để giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên tiếp cận gần hơn với cuộc cách mạng 4.0, thiết thực phục vụ hoạt động của Nhà trường. Theo PGS. TS. Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT, các cuộc hội thảo mở ra diễn đàn giao lưu trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan tới trí tuệ nhân tạo, góp phần nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ mới vào phát triển ngành GTVT và Việt Nam.

 Phấn đấu trở thành trường đại học thông minh

Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ là điều tất yếu trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực và ngành GTVT cũng không nằm ngoài xu thế ấy.

Tại buổi Lễ ra mắt Nhóm nghiên cứu "Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (IDT)" và "Hội thảo Chuyển đổi số trong hoạt động vận tải", PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, Trường Đại học Công nghệ GTVT luôn quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu, tạo cơ chế - điều kiện phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn cho người học và người dạy trong môi trường giáo dục đại học thông qua công tác giảng dạy - nghiên cứu; khởi nghiệp - hướng nghiệp; điều hành - quản trị đại học... 

Đại học Công nghệ GTVT lấy công nghệ số làm "đòn bẩy" cho đào tạo và nghiên cứu khoa học - Ảnh 2.

Lễ ra mắt Nhóm nghiên cứu "Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (IDT)" và "Hội thảo Chuyển đổi số trong hoạt động vận tải"

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay: "Cùng với các nhóm nghiên cứu và nghiên cứu mạnh của Nhà trường, nhóm nghiên cứu "Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số" là nhóm tiếp theo được Nhà trường thành lập với mong muốn đây sẽ là nhóm nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính thức được thành lập với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ chính trị, đó là nghiên cứu, tìm tòi, giúp các đơn vị, doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh và chất lượng, đặc biệt là trong hoạt động GTVT; đồng thời có trách nhiệm tham mưu cho Nhà trường hoạch định, đề xuất các phương án để Trường Đại học Công nghệ GTVT trở thành trường đại học thông minh đến năm 2035".

Không chỉ quan tâm tới đội ngũ với giáo viên, Nhà trường còn trang bị, cập nhật kiến thức công nghệ mới trong tiến trình chuyển đổi số đến với sinh viên. Tại Cuộc Toạ đàm Cơ hội và thách thức trong thời kỳ chuyển đổi số diễn ra ngày 13/4 vừa qua, sinh viên Trường Đại học Công nghệ GTVT đã được giao lưu với những CEO, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để có thêm những thông tin, kiến thức hữu ích về các công nghệ mới trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng thời giúp các em hiểu được những cơ hội và thách thức trong giai đoạn chuyển đổi số, từ đó có những kế hoạch trong học tập và rèn luyện tốt hơn.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên, kinh nghiệm trong lĩnh vực IT. Đặc biệt, để phát triển được nghề nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, sinh viên công nghệ thông tin cần chủ động học hỏi, phải biết lập trình (như lập trình 3D trong game, mô phỏng), phải được tiếp xúc thực tế với doanh nghiệp thông qua các kỳ thực tập; phải có kiến thức chung về công nghệ, nắm rõ được cơ chế vận hành, các công cụ, công nghệ mà các doanh nghiệp sử dụng trong quá trình hoạt động. Đó là mấu chốt của mọi vấn đề trong thời đại 4.0 hiện nay.

Đại học Công nghệ GTVT lấy công nghệ số làm "đòn bẩy" cho đào tạo và nghiên cứu khoa học - Ảnh 3.

Giao diện thư viện số Dspace

Trong khuôn khổ chương trình, TalkShow "Câu chuyện Khởi nghiệp - Hướng nghiệp của sinh viên UTT và kết nối doanh nghiệp" được diễn ra ngay sau tọa đàm được ghi nhận với những chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia, diễn giả về con đường khởi nghiệp cũng như mục tiêu nghề nghiệp, các cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Chương trình có sự tham gia của các CEO, chuyên gia đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm đọc tài liệu, giáo trình, sách tham khảo, từ năm 2021, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã khai thác, sử dụng hệ thống thư viện số với hơn 1.000 tài liệu nội sinh và 1,4 triệu tài liệu tham khảo, gồm: giáo trình, bài giảng, luận văn, luận án… và vẫn đang tiếp tục gấp rút cập nhật, biên mục toàn bộ tài liệu nội sinh của trường.

Ngoài ra, thư viện số của Nhà trường còn được tích hợp công nghệ OAI-PMH Data Provider nhằm kết nối với Trung tâm Tri thức số (là sáng kiến đột phá do VNU-LIC đề xuất nhằm kết nối và tích hợp dữ liệu của nhiều thư viện số độc lập thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm tập trung, cung cấp nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu và toàn văn từ các kho tri thức số của hệ thống như: luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, sách, giáo trình thuộc mọi lĩnh vực khoa học… tùy theo chính sách và mức độ chia sẻ của từng thư viện tham gia).

Việc sử dụng 2 hệ thống thư viện số giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ Nhà trường tiếp cận được kho tài liệu, giáo trình, sách… đã được số hóa của Trường, được lưu trữ bằng hệ thống thư viện số Dspace và kho tài liệu ngoại sinh Vdoc, qua đó độc giả thuận tiện trong việc tìm kiếm, tham khảo và sử dụng trên mọi thiết bị cá nhân như: laptop, máy tính bảng, điện thoại…

TS. Nguyễn Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, trong thời đại ngày nay, việc trang bị kiến thức về chuyển đổi số cho thanh niên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, nhất là sinh viên ngành CNTT là rất cần thiết. Phải xem đây là lực lượng tiên phong, đầy tiềm năng, từ đó vạch ra các kế hoạch định hướng mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống.