Đại sứ Việt trúng cử chủ tịch Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới

Xã hội 03/10/2017 10:27

Sáng 2-10, tại phiên họp đầu tiên của đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lần thứ 49, đại diện 191 quốc gia thành viên đã nhất trí bầu đại sứ Dương Chí Dũng vào vị trí chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019.

 

Đại sứ Việt trúng cử chủ tịch Tổ chức Sở hữu trí t
Đại sứ Dương Chí Dũng

Đại hội đồng WIPO đã khai mạc kỳ họp lần thứ 49 tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 191 quốc gia thành viên WIPO. 

Đại sứ Dương Chí Dũng là trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).

Đại sứ Dương Chí Dũng là ứng cử viên đại diện cho các quốc gia thuộc nhóm châu Á - Thái Bình Dương, khu vực từ hơn 12 năm nay chưa có đại diện đảm nhiệm vị trí chủ tịch Đại hội đồng WIPO.

Phát biểu sau khi trúng cử vị trí chủ tịch Đại hội đồng WIPO, đại sứ Dương Chí Dũng chia sẻ:  "Chúng ta ứng cử và được đảm nhận cương vị chủ tịch Đại hội đồng WIPO là tiếp tục thực hiện một cách tích cực, chủ động chủ trương tăng cường và thúc đẩy chính sách đối ngoại đa phương của quốc gia.

Để Việt Nam không chỉ là "thành viên tham gia có trách nhiệm" mà còn là thành viên chủ động có những đóng góp tích cực và thiết thực vào các hoạt động cụ thể cũng như trong xây dựng chính sách, các quy định và luật chơi tại các tổ chức và diễn đàn đa phương".

Đại hội đồng WIPO bao gồm toàn thể các quốc gia thành viên WIPO, là cơ quan quyền lực cao nhất, có trách nhiệm thông qua các quyết sách quan trọng của tổ chức này, trong đó có việc bổ nhiệm tổng giám đốc, thông qua ngân sách hoạt động trong chu kỳ tài chính hai năm của các liên minh thuộc WIPO, các đề xuất liên quan đến công tác quản lý các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ... 

Chủ tịch Đại hội đồng sẽ điều khiển các kỳ họp Đại hội đồng WIPO hằng năm trong nhiệm kỳ được bầu.

Ra đời năm 1967, WIPO là một trong số 16 tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay WIPO có 191 thành viên và đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, do tiến sĩ Francis Gurry làm tổng giám đốc.

WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. 

Cho đến nay, WIPO đã dành cho Việt Nam nhiều sự trợ giúp quan trọng trong việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. 

Sự trợ giúp của WIPO góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận