Người dân phấn khởi chờ đợi xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Giao thông vận tải tại điểm cầu được đặt tại vị trí tại Km54+750 (nút giao cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với đường Trường Sơn Đông) đoạn qua xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đến 7h sáng nay (18/6) công tác chuẩn bị cho lễ khởi công đã hoàn tất, thời tiết thuận lợi để tổ chức sự kiện đặc biệt quan trọng của khu vực.
Từ sáng sớm có mặt tại điểm khởi công cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Văn Xinh (trú tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi, khi nghe được thông tin có dự án cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột và đi qua địa phương huyện Krông Bông, người dân chúng tôi rất vui mừng. Trước giờ, nhắc đến đường cao tốc, trong thâm tâm người dân chúng tôi nghe xa xôi lắm, điều không tưởng.
"Đến hôm nay, tôi cũng như nhiều người dân được chứng kiến lễ khởi công cao tốc đi qua tỉnh Đắk Lắk, mà còn đi qua xã Cư Đrăm, nơi chúng tôi sinh sống. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân của tỉnh đều vui mừng vì mơ ước cao tốc đã về với Đắk Lắk. Cao tốc hình thành sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa sẽ nhanh chóng và thuận lợi rất nhiều”, ông Xinh nói.
Anh Phan Xuân Tùng (tài xế chở hàng tuyến Buôn Ma Thuột - Nha Trang) bày tỏ vui mừng: “Tôi là tài xế chở hải sản ở Nha Trang lên Đắk Lắk để buôn bán. Hôm nay, cao tốc khởi công rồi, chúng tôi rất mừng, mong sao sớm hoàn thành để chúng tôi đi lại dễ dàng, nhanh chóng hơn. Tuyến đường này hoàn thành người dân chúng tôi đi Nha Trang tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian”.
Ông Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Tập đoàn CIENCO4 cho biết, Tập đoàn CIENCO4 tự hào được Bộ GTVT, Ban QLDA6 lựa chọn là một trong các nhà thầu thi công Dự án. Để phục vụ lễ khởi công Tập đoàn CIENCO4 đã huy động ngay 10 thiết bị gồm: Máy đào, lu, ủi về công trường sẵn sàng tổ chức thi công ngay sau lễ khởi công với 6 mũi thi công. Cụ thể, 6 mũi thi công, gồm 1 mũi thi công đường, 2 mũi thi công cọc khoan nhồi, 1 mũi thi công trạm trộn BTXM và bãi đúc dầm, 1 mũi thi công các hạng mục phụ trợ: đường công vụ, hệ thống lưới điện,... quyết tâm đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Võ Chương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm cho biết: Xã Cư Đrăm là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn, chưa bao giờ có sự kiện lớn như vậy, nên người dân rất vui mừng.
"Từ đường Trường Sơn Đông đang được thi công, nay lại có tuyến cao tốc đi qua địa bàn, giúp đời sống nhân dân trong tương lai thoát nghèo bền vững và no ấm hơn", ông Chương chia sẻ.
Cam kết bàn giao mặt bằng, thi công đúng tiến độ, chất lượng
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; đồng thời, xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có tổng chiều dài 117 km qua hai tỉnh với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, chia thành 03 dự án thành phần, thực hiện theo hình thức đầu tư công, được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.
"Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh và cả khu vực - là tuyến đường chiến lược "kết nối rừng với biển", nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây;... Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên", ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nghị cho hay, với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự phấn khởi - đồng thuận của nhân dân hai tỉnh, đến nay công tác chuẩn bị đầu tư dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện khởi công thực hiện dự án...
"Về trách nhiệm của mình, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật", ông Nghị cam kết.
Thay mặt Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP 484 - Công ty CP Xây dựng Tân Nam, ông Phạm Kim Châu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cam kết trước Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và các chủ đầu tư của 3 dự án: Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, các tài liệu liên quan và các quy định pháp luật về xây dựng, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế và các yêu cầu kỹ thuật của dự án, đảm bảo hiệu quả, tiến độ, chất lượng thi công; tổ chức triển khai thi công khẩn trương, tích cực, quyết liệt, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Nỗ lực, cố gắng, khẩn trương tập trung nhân lực, máy móc thiết bị hiện đại, vật tư, vật liệu xây dựng cho công trường, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, các cơ quan liên quan của địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ông Châu nhấn mạnh, 3 dự án khởi công hôm nay là những dự án cao tốc có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, thi công trong điều kiện tự nhiên khó khăn, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, tiến độ gấp và tình hình nguyên vật liệu xây dựng rất khó khăn.
Các nhà thầu xây lắp của ba dự án rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thi công dự án, đặc biệt là giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu, bãi đổ thải nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án và khẩn trương hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng của ba dự án theo đúng tiến độ.
"Trong quá trình triển khai thi công sẽ có những ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con nhân dân trong khu vực dự án đi qua, các nhà thầu chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và sự cảm thông, chia sẻ của bà con nhân dân", ông Châu mong muốn.
Video cận cảnh khởi công cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km. Dự án được đầu tư đoạn Km 0+000 - Km7+700 (nút giao cao tốc Bắc - Nam) quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m; Đoạn Km7+700 - Km117+500 (cuối tuyến) quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Tổng mức đầu tư là 21.935 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (Km 0+000 - Km32+000) chiều dài khoảng 32km do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản, mức đầu tư là 5.632 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km 69+500) với chiều dài khoảng 37,5km do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư 9.818 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km 117+866) với chiều dài khoảng 48,5km do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản, tổng mức đầu tư hơn 6.485 tỷ đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.