Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương ngày 28/9. |
Liên tục xảy ra TNGT nghiêm trọng
Trong thời gian vừa qua, trên các tuyến đường cao tốc liên tục xảy ra các vụ TNGT, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê trong hệ thống cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông đường bộ, 6 tháng đầu năm cả nước có 29 vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc, làm chết 19 người, làm bị thương 19 người.
Theo đó, gần đây, ngày 23/9/2015 tại Km130+500 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc địa phận Thôn 11, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, xe khách 16 chỗ đã bất ngờ va chạm với xe tải (loại 1,8 tấn) chạy ngược chiều khiến 2 người chết, 9 người bị thương. Ngay sau đó, ngày 28/9, trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương thuộc địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, xảy ra vụ TNGT rất nghiêm trọng giữa 5 xe ô tô đâm liên hoàn nhau, hậu quả làm 2 người chết và 2 người bị thương, vụ tai nạn khiến 5 ô tô hư hỏng nặng.
Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT trên đường cao tốc xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân thường gặp của các vụ tai nạn là tài xế ngủ gật khi điều khiển phương tiện. Trong đó, trên các tuyến đường cao tốc hiện nay, các trạm dừng nghỉ vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh và bố trí không hợp lý dẫn đến việc lái xe chạy xe liên tục không nghỉ dễ mệt mỏi, buồn ngủ và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cao.
Bên cạnh đó, tình trạng người dân sống hai bên đường lấn chiếm hành lang, phá hàng rào để bán hàng trái phép hai bên đường và đi xe máy vào đường cao tốc vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều đoạn người dân còn tự ý cắt hàng rào dây thép hoặc tháo dỡ lưới rào B40 và tôn hộ lan để đi bộ, đi xe máy trên đường cao tốc hoặc thả rông vật nuôi trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác dẫn đến TNGT trên đường cao tốc như: ý thức chấp hành luật của người dân chưa cao, không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước, ô tô không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chạy quá tốc độ, do người điều khiển xe ô tô đi không đúng làn đường quy định hay do người điều khiển xe ô tô vượt xe không đúng quy định...
Nghiên cứu các biện pháp đảm bảo ATGT trên cao tốc
Đảm bảo ATGT là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc vận hành mạng lưới đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng. Mặc dù đường cao tốc tại Việt Nam được trang bị hạ tầng và trang thiết bị trên đường tốt hơn đường ô tô thông thường, số vụ tai nạn xảy ra ít hơn nhưng hầu hết các vụ tai nạn trên đường cao tốc thường để lại hậu quả khá nặng nề cả về người và tài sản. Do vậy việc đặt vấn đề nghiên cứu các biện pháp giảm thiểu TNGT trên các tuyến đường cao tốc là rất cần thiết và cấp bách.
Tại Hội nghị ATGT năm 2015, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng cục CSGT cho biết hiện nay Cục CSGT đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GTVT, doanh nghiệp cho thuê dịch vụ triển khai thí điểm xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên tuyến cao tốc Nội Bài Lào Cai (Đoạn Nội Bài-Phú Thọ) và Pháp Vân – Ninh Bình theo hình thức xã hội hóa. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác của lực lượng CSGT không chỉ tiến tới giảm dần sự có mặt của lực lượng CSGT trên đường nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được tình hình TTATGT mà những hình ảnh, dữ liệu thu thập được qua phương tiện là cơ sở pháp lý, chứng cứ khoa học để phát hiện, đấu tranh, xử lý đúng pháp luật, nhất là xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mắt thường không thể xác định được.
ThS. Trần Việt Yên thuyết trình đề án quản lý tốc độ trên đường cao tốc trong điều kiện thời tiết bất lợi tại Hội nghị ATGT 2015. |
Cũng tại Hội nghị này, thay mặt các chuyên gia đến từ Đại học GTVT, ThS. Trần Việt Yên, bộ môn đường bộ, đại học GTVT đề xuất giải pháp quản lý tốc độ trên đường cao tốc trong điều kiện thời tiết bất lợi, theo đó khuyến nghị nên sử dụng tốc độ giới hạn động thay vì tốc độ giới hạn tĩnh, sử dụng hệ thống giao thông thông minh đưa ra tốc độ phù hợp tùy theo điều kiện thời tiết.
Trước đề xuất của ThS Trần Việt Yên, PGS. TS Trần Thị Kim Đăng đặt ra câu hỏi ngoài việc cắm biển báo động còn có giải pháp nào khác trong công tác đảm bảo ATGT trên đường cao tốc trong điều kiện thời tiết xấu, đặc biệt là trong công tác thiết kế đường có vấn đề gì để rút kinh nghiệm cho các tuyến sau kể cả khi điều kiện thời tiết bất lợi không thường xuyên xảy ra như cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trả lời cho câu hỏi này, ThS Trần Việt Yên cho biết trong quá trình thiết kế hiện nay, chúng ta không thể định lượng được chính xác những điều kiện bất lợi nhất, ví dụ như trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai người ta không thể đo lượng sương mù chỗ này là bao nhiêu, dự báo mặt đường khi đưa vào khai thác hệ số bám là bao nhiêu. Vì không thể dự đoán hết được điều kiện bất lợi nên vẫn cần hỗ trợ thông tin về tốc độ cho người tham gia giao thông.
"Ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra lời khuyên trong quá trình thiết kế là trong quá trình khảo sát cần thu thập thêm những số liệu liên quan đến đặc trưng thời tiết của từng khu vực đặc thù. Ví dụ như cao tốc Hà Nội- Lào Cai, qua những tuyến đặc thù là có điều kiện thời tiết bất lợi chúng ta nên sử dụng mặt đường có hệ số bám cao hơn hay sử dụng những biện pháp để tăng tính bám. Về vấn đề tầm nhìn, tôi nghĩ chúng ta chỉ có thể sử dụng các khuyến cáo như tốc độ giới hạn động hoặc là biển cảnh báo giới hạn tầm nhìn. Chúng ta không thể đưa ra những gì dự báo trước được trong quá trình thiết kế", ThS Trần Việt Yên khẳng định.
Đồng thời, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông trên cao tốc, người dân sinh sống gần đường cao tốc cũng cần được chú trọng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.