Ảnh minh họa |
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân, nhu cầu đi lại của người dân trong dịp này tăng cao đột biến khi học sinh, sinh viên đồng loạt về quê đón Tết. Đó cũng là thời điểm một số nhà xe lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao để chở quá số lượng người quy định, thậm chí chèn ép khách, thu giá vé sai quy định. Bộ GTVT và các cơ quan liên quan chuẩn bị như thế nào để đảm bảo người dân đi lại thuận tiện, đón tết an toàn. Chúng ta cùng đến với những chia sẻ của ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT để làm rõ điều này.
PV: Thưa Thứ trưởng, hàng năm, vào dịp giáp tết, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao, và đó cũng là thời điểm có thể diễn ra tình trạng nhồi nhét khách, hoặc vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bộ GTVT đã có kế hoạch gì để khắc phục điều này?
Ông Lê Đình Thọ: Những ngày lễ lớn, Tết cổ truyền, lưu lượng phương tiện và nhu cầu của người dân đi lại rất lớn nên vấn đề tăng cường các giải pháp để đảm bảo tốt vấn đề TTATGT và đảm bảo an toàn đi lại của nhân dân, hoạt động của phương tiện phải nâng cao chất lượng vận tải, đảm bảo trật tự an ninh. Ở đây, ngoài các giải pháp mà Chính phủ và UBATGTQG đã chỉ đọa thì các cấp, các ngành với chức năng nhiệm vụ của mình có những kế hoạch, những giải pháp cụ thể ở từng lĩnh vực và tập trung chỉ đạo quyết liệt.
PV: Đối với các chủ doanh nghiệp, chúng ta cần có giải pháp gì để bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn giao thông trong dịp này, khi nhu cầu đi lại tăng cao?
Ông Lê Đình Thọ: Đối với các doanh nghiệp vận tải thì có 2 đối tượng, một là doanh nghiệp vận tải hành khách và doanh nghiệp vận tải hàng hóa. 2 đối tượng này ngoài những cái lâu nay chúng ta đã triển khai thì vừa rồi Bộ cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan của Bộ hoặc quản lý trực tiếp, đặc biệt là các Sở GTVT các địa phương có các doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực này đều phải gặp gỡ trực tiếp, gặp các chủ doanh nghiệp, các hợp tác xã, để nhắc nhở, trao đổi và yêu cầu họ cùng chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề quản lý. Doanh nghiệp quản lý lái xe, chủ xe thì đều phải chia sẻ cái này. Nội dung chính là yêu cầu doanh nghiệp quán triệt trong đơn vị mình. Chẳng hạn với lái xe, trước khi lên xe và cho xe rời bánh thì phải kiểm tra về vấn đề an toàn, xác định được sức khỏe của ông, xác định được giờ giấc ông có thể điều khiển phương tiện để đảm bảo sức khỏe.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT |
PV: Vậy, việc tăng cường công tác quản lý, tránh tình trạng tăng giá vé sai quy định sẽ được thực hiện, kiểm tra như thế nào?
Ông Lê Đình Thọ: Chuyện về giá vé thì vừa rồi Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ GTVT, các Bộ liên quan và đặc biệt các địa phương cũng đã triển khai khi giá xăng dầu giảm thì cũng phải giảm chi phí vận tải, trong đó có giá vé. Cái đó đã thực hiện, một số địa phương cũng thực hiện rất tốt. Còn những vấn đề như cò vé, nâng giá vé, chèn ép khách thì cái này trên cơ sở những hiện tượng xảy ra thì cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng thanh tra phải tăng cường, rồi chính quyền địa phương ở các bến như cảnh sát trật tự, kể cả dân phòng quản lý chặt ngay tại bến. Còn đối với lực lượng tuần tra kiểm soát cũng đã có chỉ đạo, tức là những chốt mà tuần tra kiểm soát thì bên công an cũng đã có chỉ đạo riêng về vấn đề tăng cường tuần tra kiểm soát, vấn đề nâng giá vé, chèn ép khách, chở quá số người quy định. Hiện nay các đơn vị cũng đang triển khai.
PV: Với sự chuẩn bị như trên, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình đi lại của người dân trong dịp Tết sắp tới?
Ông Lê Đình Thọ: Một mong ước tất cả người dân đi lại được thuận lợi thì một trong những giải pháp là các cơ quan chức năng phải tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát. Mình đưa ra kế hoạch như thế thì ý định thực hiện như thế nào? Riêng đối với Bộ GTVT thì hiện nay cũng đã họp để tổ chức triển khai, tức là tăng cường các đoàn kiểm tra, và kiểm tra đúng những nội dung như thế để xem các đơn vị, địa phương người ta thực hiên như thế nào; các cục quản lý chuyên ngành như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy, Cục Đường sắt thì phải kiểm tra xem vấn đề phục vụ hành khách trong dịp tết như thế nào. Nó phải rất cụ thể, và có gì phát hiện ra phải chấn chỉnh ngay. Còn vấn đề đảm bảo mang tính chất tuyệt đối cũng rất khó, nhưng mỗi người chia sẻ thì nó sẽ giảm đi và vấn đề đảm bảo ATGT, ảnh hưởng đến na ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sẽ tốt hơn.
PV: Cảm ơn Thứ trưởng.
Như vậy, dù nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết cổ truyền sắp tới có thể tăng cao, nhưng với sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan, sự nỗ lực của các lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên đường, hy vọng rằng, người dân sẽ có chuyến đi an toàn, thuận lợi để về quê đón Tết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.