Điểm buýt trên đường Cầu Giấy không có nhà chờ xe buýt, hành khách phải sử dụng ô để che nắng. |
Dân “đội trời” chờ xe buýt
Do không có điều kiện, nhiều người phải sử dụng xe buýt để di chuyển cho công việc nên đành cam chịu đứng phơi nắng, đội mưa.
Chạy tất tưởi ra điểm buýt ở Cầu Giấy để bắt xe cho kịp giờ học, mồ hôi chảy dài, bạn Hoàng Anh kêu than: “Mật độ đi lại tại điểm dừng xe buýt trên tuyến đường này rất đông, ấy vậy mà đếm trên đầu ngón tay được 2 hay 3 cái là có mái che còn toàn bộ là không có mái che. Nắng tụi em đã khổ rồi, mưa còn khổ hơn, người thì ô, người thì áo mưa. Nhiều hôm xe đến chưa kịp cởi áo mưa để lên xe thì nó đã chạy mất rồi”.
Tương tự, bà Nguyễn Hiền (65 tuổi ở Nguyễn Trãi) bức xúc: “Tôi không đi được xe máy nên xe buýt là bạn đồng hành của tôi hàng chục năm nay rồi. Thế nhưng mỗi ngày ra đây đợi xe buýt tôi cảm thấy mệt mỏi vì điểm chờ không có mái che, nhiều hôm trời mưa bất chợt tôi quên không mang ô nên bị ướt hết”.
Không những người chờ xe buýt khổ mà những cửa hàng cạnh điểm dừng xe buýt “lộ thiên” cũng vạ lây. “Trời mùa hè nắng nóng gần 40 độ, chưa kể sắp đến mùa mưa rồi. Hôm nào cửa hàng tôi cũng là nơi tá túc cho mọi người đến đợi xe buýt, lắm hôm khách vào mua hàng không có lối đi, cũng bực lắm nhưng lại không nỡ đuổi họ”, chị Oanh chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Hồ Tùng Mậu chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, những điểm dừng xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Khánh Toàn... hầu hết đều không có mái che.
Với những hôm đầu hè trời nắng đỉnh điểm, nhiệt độ lên 40 độ C, mọi người đều trang bị kỹ càng, bịt kín như bưng mà vẫn không tránh được nắng nóng. Đặc biệt, năm nay trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh chặt hạ hàng loạt cây xanh và thay thế vào những cây mới trồng trơ trọi không có bóng râm nên nền nhiệt càng tăng lên đáng kể.
Chờ kêu gọi vốn đầu tư
"Bao giờ mới có nhà chờ xe buýt?" - đó là câu hỏi được nhiều người dân, đặc biệt là những hành khách đi xe buýt quan tâm. Bởi lẽ người dân đã quá quen thuộc với việc sử dụng phương tiện công cộng, tiện lợi, giá thành rẻ này thay thế cho xe gắn máy.
Ông Lương Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Hiện nay Hà Nội có 2.210 điểm dừng xe buýt, trong đó có gần 400 điểm là có nhà chờ còn gần 2.000 điểm là chưa có nhà chờ xe buýt.
Lý giải cho việc điểm dừng xe buýt cái có mái che cái không, ông Thịnh nói: “Thực tế không phải điểm dừng xe buýt nào cũng xây dựng nhà chờ được. Bởi nhà chờ phải có diện tích, không gian đủ, tối thiểu các vỉa hè phải từ 2,5m trở lên thì đơn vị mới lắp được nhà chờ xe buýt. Còn có những điểm không gian đủ để lắp đặt thì chưa có kinh phí đầu tư nên phía trung tâm chưa lắp được nhà chờ. Bên cạnh đó, một phần cũng là do ý thức người dân vẫn còn hạn chế, họ đặt lợi ích cá nhân hơn là lợi ích chung. Dù vỉa hè là của nhà nước nhưng nếu xây dựng nhà chờ trước của hàng kinh doanh là họ không đồng ý và làm đủ mọi cách để cản trở”.
Cũng theo ông Thịnh, có hai nguồn vốn để lắp đặt nhà chờ xe buýt, một là sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Hai là phải kêu gọi đầu tư, mà phần vốn kêu gọi đầu tư, phía đơn vị nào đầu từ vào họ phải khai thác thu hồi vốn được họ mới làm. Vì đầu tư nhà chờ xe buýt có mái che chi phí tốn kém lên đến hàng trăm triệu đồng.
Dự kiến trong kế hoạch tới phía Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cũng đang trình lên các cấp có thẩm quyền để mở rộng nhiều nhà chờ xe buýt. Đồng thời khảo sát lập phương án đầu tư phát triển mới 150 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có mái che lên hơn 500 điểm dừng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.