Hiện trường nơi xảy ra vụ đánh bom |
Báo Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, vụ nổ xảy ra vào khoảng 10h sáng 12/1 (15h giờ Hà Nội). Cảnh sát và xe cứu thương nhanh chóng có mặt tại hiện trường sau đó. Trong danh sách thương vong có khá nhiều công dân Đức và Na Uy. AFP dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 9 người thiệt mạng là công dân Đức.
"Tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố do một kẻ đánh bom tự sát có nguồn gốc Syria thực hiện", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết trong bài phát biểu tại thủ đô Ankara.
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết dựa vào những phần thi thể ở hiện trường, kẻ đánh bom được xác định là có quốc tịch Syria sinh năm 1988. Theo ông, kẻ này mới từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ và không có tên nằm trong danh sách các phiến quân cần theo dõi.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói kẻ đánh bom là một thành viên thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS). Hai quan chức an ninh cấp cao trước đó cũng nhận định có khả năng cao IS đứng sau vụ việc.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trong tình trạng báo động cao sau khi hàng loạt vụ tấn công, nghi do IS thực hiện, xảy ra, trong đó có đánh bom tự sát kép ở Ankara hồi tháng 10 làm 103 người thiệt mạng. Trước đó, cảnh sát chống khủng bố nước này đã đồng loạt tiến hành nhiều chiến dịch tại 5 quận ở Istanbul, bắt giữ 33 đối tượng tình nghi là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thành phố Istanbul và tỉnh miền Nam Adana.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ đánh bom vừa xảy ra, ông Davutoglu đã điện đàm gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngoài ra, Đức cảnh báo công dân nước này tránh đến các điểm du lịch ở Istanbul, thành phố 14 triệu dân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ chơi dao đứt tay?
Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị cáo buộc viện trợ và buôn bán dầu mỏ lậu với IS gần biên giới Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bắn chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11 vì Ankara muốn bảo vệ những đường dẫn dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ từ các giếng dầu do IS kiểm soát. Sau Nga, lần lượt các nước khác như Iran, Iraq, thậm chí cả các nước phương Tây đều lần lượt cáo buộc Ankara có dính dáng đến IS thông qua việc buôn bán dầu lậu giá rẻ.
“Một số lượng dầu mỏ lớn đã được tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuồn ra thị trường chợ đen với sự hỗ trợ đắc lực từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ”, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định trước đó.
Truyền thông Na Uy hôm 21/12 cũng dẫn một báo cáo của công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của các tay súng thuộc tổ chức khủng bố IS.
Thậm chí ngày 1/1/2016 vừa qua, một phiến quân IS tên là Mahmud Ghazi Tatat đã kể với hãng thông tấn Sputnik (Nga) rằng, nhóm phiến quân cực đoan này đã bán dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tại trại huấn luyện hồi tháng 5-2015, chỉ huy của chúng tôi nói rằng, nhóm đã bán dầu cho Ankara. Nguồn thu nhập này giúp IS thanh toán các khoản chi phí. Các xe tải chở dầu thô hoặc xăng băng qua Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày", phiến quân này nói.
Có thể thấy rằng, những bằng chứng Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến hoạt động buôn bán dầu lậu của IS là quá rõ ràng. Ankara đang ngầm bắt tay với phiến quân Hồi giáo nhằm gia tăng thêm những căng thẳng tại khu vực Trung Đông này. Nhưng chính quyền Erdogan đã không lường trước được họ đang phải ngậm trái đắng khi thời gian qua cố tình bao che cho nhóm phần từ khủng bố này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.