Phải đánh giá đúng thực chất
Chiều nay (15/7) tại Văn phòng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, các hoạt động KT-XH cả nước đã dần trở lại bình thường sau khoảng thời gian dài bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, trong đó hoạt động GTVT cũng đã sôi động trở lại như thời trước dịch bệnh.
“Đây là một điều vô cùng đáng mừng và công tác đảm bảo TTATGT cũng trở nên áp lực hơn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ. Chúng ta vẫn đảm bảo sự chuyển biến của trật tự ATGT”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.
Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công an với nòng cốt là lực lượng CSGT đã mở đợt cao điểm kiểm soát tải trọng xe, nhất là việc cắt thành thùng của xe tải, đóng góp hiệu quả vào nỗ lực siết chặt kỷ cương, trật tự ATGT.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong các tháng 4, 5, 6 diễn ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây thương vong lớn, đặt ra vấn đề hết sức phức tạp đối với trật tự ATGT.
Trong 6 tháng cuối năm diễn ra các chương trình phục hồi KT-XH, các hoạt động đi lại của người dân sẽ rất nhiều, đặt ra yêu cầu về ATGT rất lớn. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng cần nghiêm túc phân tích nguyên nhân của các vụ TNGT, cũng như của các tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải đánh giá đúng thực chất để đề ra những phương hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Tăng số người chết vì TNGT
Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp áp lực về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao (do dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát) và tập trung nhiều đợt cao điểm nghỉ lễ như: nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 9 ngày), dịp 30/4 và 01/5, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT trong 6 tháng đầu năm 2022 về cơ bản được bảo đảm.
Số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ TNGT, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với 6 tháng đầu năm 2021, số vụ TNGT giảm 663 vụ (-10,41%), tăng 79 người người chết (2,44%), giảm 793 người bị thương (-17,69%).
Có 30 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 10 địa phương có số người chết giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2021 gồm: Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Thuận; còn 26 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 12 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên, Yên Bái.
Nói về những tồn tại, hạn chế, ông Khuất Việt Hùng cho hay, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 13 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ gây bức xúc dư luận xã hội, làm chết 37 người, bị thương 29 người tại các tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế. Xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường thủy tại Quảng Nam, làm chết 17 người.
“Một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình là vụ lái xe say rượu gây TNGT tại Bắc Giang đêm ngày 2/6/2022 làm 3 người chết”, ông Khuất Việt Hùng nói và cho biết thêm, số người chết do TNGT trong tháng 3, tháng 4 tăng so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,69% và 14,07%); TNGT tháng 6 năm 2022 tăng cả 3 tiêu chí, trong đó số người chết do TNGT tăng 2,44%. Số người chết do TNGT đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cần xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về TTATGT
Về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, ông Khuất Việt Hùng cho biết, hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
Cùng với đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong những giải pháp triển khai trong 6 tháng cuối năm được nêu tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp tổ chức xét xử công khai các vụ án điểm vi phạm về TTATGT có tính chất nghiêm trọng, mời các cơ quan báo chí tham dự để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền chấp hành pháp luật về TTATGT.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.