Đào tạo theo đơn đặt hàng doanh nghiệp: Xu hướng mới, hiệu quả cao

Tác giả: Bảo Châu

saosaosaosaosao
Xã hội 20/11/2021 06:03

Thời gian qua, cụm từ “đào tạo gắn kết với doanh nghiệp” được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn tuyển sinh và phỏng vấn việc làm đối với giáo dục nghề nghiệp. Không chỉ các trường đại học chủ động tìm đến “bắt tay” với các doanh nghiệp để liên kết đào tạo mà Nhà nước cũng có nhiều cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo để sinh viên ra trường tiếp cận và làm chủ được công việc, doanh nghiệp không phải mất công đào tạo lại. Nắm bắt được xu hướng đó, các trường đại học, cao đẳng của ngành GTVT đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng khi sinh viên ra trường.

 

12.Tham quan thực tế tại doanh nghiệp

Sinh viên tham quan, học tập thực tế tại doanh nghiệp

Hoạt động gắn kết đào tạo với doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu. Giáo dục nghề nghiệp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đồng hành phát triển, từ đó doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ khâu phát triển chương trình, tham gia đào tạo; thi, kiểm tra đánh giá, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Thống kê cho thấy, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nghề đạt tỷ lệ 100% sinh viên ra trường có việc làm với mức thu nhập cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã tạo dựng các cơ sở đào tạo cho riêng mình, chủ động nhân lực. Điều này cho thấy, doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia đào tạo để chủ động nguồn nhân lực lâu dài cho bản thân mình.

Công ty LG Display đã ký kết biên bản hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Theo đó, phía Công ty LG Display sẽ cung cấp chương trình thực tập cho sinh viên có thành tích của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Số lượng sinh viên thực tập sẽ dựa trên nhu cầu của công ty hàng năm. Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ cung cấp các khóa đào tạo cho nhân viên của Công ty LG Display trong các lĩnh vực kỹ thuật có liên quan.

Tương tự, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Pegatron Hải Phòng Ngô Đông Du, thời gian tới, Công ty sẽ tuyển dụng từ 20.000 - 25.000 lao động thuộc các lĩnh vực hành chính, nhân sự, thiết bị, điện tử... Công ty sẽ hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam để tham gia vào quy trình đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời sẽ tạo cơ hội để các sinh viên có năng lực trong các trường trên địa bàn Hải Phòng có cơ hội thực tập tại Công ty và Công ty tiếp nhận các em ngay sau khi ra trường.

Theo PGS. TS. Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, Nhà trường đã tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Trường cũng chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá theo chuẩn CDIO, kiên định áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên như tiếng Anh quốc tế TOEIC/IELTS, chuẩn tin học văn phòng quốc tế MOS. Hàng năm, Nhà trường cung cấp hàng nghìn nhân lực chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Tràng Duệ, VSIP, Deep C, Nomura... và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Còn theo ông Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT (UTT), những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Nhà trường để “đặt hàng” đào tạo. Điển hình là việc ký hợp tác đào tạo giữa UTT với Công ty Cổ phần FECON. Theo đó, để có thể nhận kỹ sư ngay sau khi ra trường, Công ty sẽ đồng hành với Nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. FECON sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo như cử chuyên gia để tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn, tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, dạy kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên. Sinh viên sẽ được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại trường; học thực hành, thực tập tại các công trường của FECON với các thiết bị máy móc hiện đại. Sinh viên được FECON cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp nếu đáp ứng một số tiêu chí Công ty đưa ra, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí trong suốt khóa học, được cấp học bổng khuyến khích học tập trong từng năm học...

Đánh giá về phương thức doanh nghiệp liên kết nhà trường đào tạo nguồn nhân lực, ông Trần Trọng Thắng - Tổng Giám đốc FECON cho biết, với một doanh nghiệp hướng đến phát triển hạ tầng như FECON, việc tìm kiếm một cơ sở đào tạo có thể cung cấp và đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo với Trường Đại học Công nghệ GTVT giúp FECON chủ động nguồn nhân lực có trình độ, tiết kiệm được chi phí và thời gian đào tạo, mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Không chỉ liên kết với FECON, UTT còn ký hợp tác đào tạo với Công ty CP Licogi 16. Hai bên sẽ hợp tác khai thác hệ thống thiết bị và dây chuyền sản xuất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Licogi 16 và công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Công nghệ GTVT. UTT hỗ trợ đào tạo cho các cán bộ, kỹ sư, nhân viên của Licogi 16 về các nội dung liên quan đến chuyên môn theo nhu cầu của Licogi 16 và khả năng của Nhà trường. Ngược lại, phía Licogi 16 hỗ trợ tiếp nhận giảng viên của UTT tham gia các dự án thực tế của Công ty; tiếp nhận sinh viên của UTT tham quan và thực tập tốt nghiệp tại công trường. Licogi 16 cũng là đơn vị tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên do UTT đào tạo và hỗ trợ học bổng cho những sinh viên có thành tích xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó cho 2 ngành Xây dựng cầu đường và Máy xây dựng với mức hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Trước mắt, Licogi 16 đặt hàng UTT 2 lớp sinh viên ngành Xây dựng cầu đường và Máy xây dựng khóa 68 để chuẩn bị nhân lực trong thời gian tới của Công ty. Năm 2018, Licogi 16 sẽ tuyển dụng 50 vị trí việc làm ngành Máy xây dựng. Công ty sẽ hỗ trợ 100% học phí 5 năm học, trả lương thực tập, cấp học bổng, đào tạo vận hành máy thi công... cho sinh viên nếu được Công ty tuyển dụng.

Có thể khẳng định, phương thức doanh nghiệp đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực hay mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Mô hình này giúp nhà trường thu hút thêm sinh viên, tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên không phải lo lắng về tài chính, được học tập kiến thức sát thực tế của chính doanh nghiệp nơi họ sẽ gắn bó lâu dài, được đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp và được đảm bảo chắc chắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận