Dầu bị bán tháo, giá giảm mạnh nhất 6 tháng

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 24/05/2019 17:04

Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của giá dầu và là phiên giảm mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây...

photo1558661630782-1558661631688-crop-155866167096
Ảnh minh họa

 Giá dầu thế giới giảm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, "bốc hơi" khoảng 5%, trong bối cảnh chiến tranh thương mại phủ bóng lên triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Theo hãng tin Reuters, phiên giảm mạnh này của giá dầu diễn ra cùng với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, khi nhà đầu tư lo rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung đang nhanh chóng trở thành một cuộc "chiến tranh lạnh" về công nghệ.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang là đám mây đen lớn nhất phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu. Ngoài ra, thị trường trong phiên này còn lo ngại khi chứng kiến một số dữ liệu kinh tế yếu đi của Mỹ và lượng tồn kho dầu thô tăng cao của nước này.

"Một lần nữa, chúng ta đang chứng kiến ảnh hưởng của những mối lo rằng vấn đề thương mại sẽ gây áp lực lên nhu cầu", Phó chủ tịch Gene McGillian của Tradition Energy nhận định. Theo vị này, các quỹ đầu tư nắm giữ trạng thái đầu cơ dầu giá lên đang tìm cách đóng trạng thái do xung đột thương mại đặt ra khả năng nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy giảm.

Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu Brent, loại dầu giữ vai trò tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, giảm 3,23 USD/thùng, tương đương mức giảm 4,6%, còn 67,76 USD/thùng.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 3,51 USD/thùng, tương đương giảm 5,7%, còn 57,91 USD/thùng.

Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của giá dầu và là phiên giảm mạnh nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Tuần này cũng đang trên đà trở thành tuần giảm giá mạnh nhất của "vàng đen" trong nửa năm.

Trong phiên ngày thứ Tư, giá dầu WTI đã giảm 2,7% sau khi thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần trước tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2017.

Các số liệu kinh tế công bố mấy ngày gần đây cho thấy Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều có dấu hiệu tăng trưởng kém hơn so với dự báo.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu IHS Markit cho thấy ngành sản xuất của Mỹ yếu đi trong tháng 5, với số đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009. Đây là lĩnh vực chiếm khoảng 12% nền kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang có chiều hướng dịu đi.

"Chính quyền Mỹ có vẻ như đang giảm bớt những phát ngôn cứng rắn về Iran", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận định.

Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi chương trình hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, thường gọi là nhóm OPEC+.

Ngân hàng BNP Paribas dự báo rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu ở mức cao đồng nghĩa với việc OPEC nhiều khả năng sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng sau khi thỏa thuận này kết thúc vào cuối tháng 6.

Ý kiến của bạn

Bình luận