Đầu tàu Đức đi xuống, cả châu Âu sẽ chìm

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 19/11/2018 16:46

Sự suy giảm đột ngột của đầu tàu kinh tế Đức khiến châu Âu còn chật vật hơn nữa trong tình hình bất ổn kéo dài, theo The New York Times

ducsanxuatxehoi-1542366347-15424242038701969367159
ảnh minh họa

 Đức một thời sở hữu nền kinh tế phát triển vượt trội, bền vững. Nhưng điều đó không còn nữa, tờ báo Mỹ nhận xét hôm 15/11.

Hiện thực này càng đẩy sự ổn định của châu Âu đến bờ vực, vì trong lúc ấy, Brussels tiếp tục chứng kiến tranh chấp với Ý leo thang.

Nền kinh tế Đức vốn được đánh giá cao bởi nền tảng vững chắc. Thế nên, đợt sụt giảm 0,2% trong quý III so với quý II đã gây ra không ít ngạc nhiên, theo số liệu từ chi cục thống kê của Đức. Đây là đợt sa sút theo quý đầu tiên tính từ năm 2015, đi kèm với mức giảm mạnh ở khu vực xuất khẩu. NYT đánh giá điều này là hậu quả từ những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nếu đây thật sự là một dấu hiệu, nó còn mang hàm ý về tình hình đáng ngại cho phần còn lại của châu Âu, nhất là khi Ý đang chật vật với thị trường tài chính. Ủy ban châu Âu ra hạn chót cho chính quyền Rome để nộp lại bản kế hoạch tài chính mới bị từ chối gần đây.

Trong tình hình châu Âu chịu thế gọng kìm giữa bất ổn chính trị và cả kinh tế, Đức cùng các doanh nghiệp xuất khẩu xe hơi và thiết bị của họ đóng vai trò tối quan trọng để duy trì sự ổn định.

Thiếu vắng đầu tàu là Đức, châu Âu được cho là sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi đối diện với các cú sốc mới. Ngoài vấn đề với Ý, vụ "ly hôn" lùm xùm của Anh với Liên minh châu Âu và căng thẳng thương mại với Mỹ càng khiến tình trạng thêm thảm não.

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ hy vọng rằng Đức có thể phục hồi càng nhanh càng tốt sau sự sa sút bất ngờ này. Cú vấp của Berlin là do tồn đọng, dồn ứ tại mảng sản xuất xe hơi. Tất cả các hãng xe lớn của quốc gia này đang chật vật để thích nghi với quy trình kiểm tra khí thải mới và nghiêm ngặt hơn của châu Âu.

Cục Thống kê Liên bang Đức đổ tội cho hoạt động xuất khẩu đình trệ gây ra sự việc trên. Trung Quốc hiện đang là khách hàng quan trọng của Mercedes-Benzes, Volkswagens, BMW, cũng như nhiều nhà máy cơ khí khác của Đức. Thế nhưng, quốc gia này ngày càng nhập khẩu ít hàng của Đức hơn vì nền kinh tế đang phải hứng chịu các đòn thuế quan trả đũa từ Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING (Đức), Carsten Brzeski nói: "Tôi không nghĩ đây là khởi đầu của xu hướng mới. Nếu nghĩ như vậy chẳng khác nào thừa nhận tin dữ với phần còn lại của khối đồng euro".

Ý kiến của bạn

Bình luận