Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 – xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không (CHK) Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh Lào Cai, đơn vị chuẩn bị dự án là Sở GTVT – Xây dựng tỉnh Lào Cai, cơ quan ký kết hợp đồng là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lào Cai. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; diện tích sử dụng đất là 295,2ha.
Về quy mô, sẽ xây dựng CHK Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu khách/năm và sân bay quân sự cấp II. Tổng mức đầu tư 3.651,273 tỷ đồng; loại hợp đồng dự án: BOT; thời gian thực hiện dự án 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 3 năm 7 tháng; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng).
Trước đó, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành đã nhận đủ ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lào Cai đã giải trình, bổ sung và hoàn thiện báo cáo khả thi dự án.
Ngày 28/4/2022, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 2809 gửi phiếu xin ý kiến của thành viên Hội đồng về Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Kết quả, 16/16 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (đạt 100%).
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, việc sớm đầu tư, hoàn thành đưa CHK Sa Pa vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, tỉnh Lào Cai, hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy toàn diện tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lào Cai trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là rất cần thiết; góp phần lan toả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh – quốc phòng khu vực Tây Bắc của tổ quốc.
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau khi giải trình làm rõ hơn lợi thế đầu tư dự án theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT) sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời có những lợi thế so với các hình thức đầu tư khác (như hình thức đầu tư tư nhân theo Luật Đầu tư), loại hợp đồng khác (như Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO); Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL); Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT)…).
Báo cáo nghiên cứu khả thi đã nêu cơ sở tính toán các khoản thu và đề cập các khoản thu của dự án, bao gồm: thu phục vụ hành khách, thu dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý, dịch vụ CUTE, FIDS, dịch vụ cất hạ cánh tàu bay, dịch vụ sân đậu tàu bay…
Đồng thời, báo cáo nghiên cứu khả thi cũng nêu phương pháp tính toán và dự kiến sản lượng khai thác, trong đó sản lượng năm đầu tiên khai thác (2024) dự kiến đạt 560.640 hành khách/năm, năm 2045 dự kiến đạt 4.700.016 khách/năm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.