Khởi công xây dựng, mở rộng sân bay Điện Biên hơn 1.467 tỷ đồng

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Hàng không 22/01/2022 10:02

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên hơn 1.467 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2023.

31fda3b94955840bdd44
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Điện Biên nhấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng sân bay Điện Biên 

Hôm nay (22/1) tại Điện Biên, TCT Cảng hàng không VN (ACV) chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Đồng thời, xây dựng đường lăn nối, hệ thống đèn tiếp cận CAT I...

Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; Tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.

ACV sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương và cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên. Việc sớm hoàn thành dự án này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, Cảng hàng không Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, phát huy các giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là phát huy giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. 

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, sân bay Điện Biên sẽ có đường băng được điều chỉnh kích thước dải hãm phanh, dải cất hạ cánh để khai thác an toàn máy bay Airbus A320, A321 và tương đương thay vì chỉ khai thác được máy bay ATR72 hoặc Embraer 190 như hiện nay.

Giai đoạn đến năm 2025, sân bay Điện Biên sẽ xây dựng 1 đường lăn rộng 15m nối đường băng vào sân đỗ máy bay dân dụng mới; xây dựng sân đỗ máy bay bảo đảm đáp ứng tiếp nhận được 4 máy bay, gồm 3 vị trí đỗ máy bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương và 1 vị trí đỗ máy bay ATR72 hoặc tương đương, đồng thời tiếp tục sử dụng sân đỗ máy bay hiện hữu.

Về công trình quản lý, điều hành bay, sẽ xây dựng mới trạm quan trắc khí tượng tự động đồng bộ với đường băng.

Với nhà ga hành khách, giai đoạn đến năm 2025, nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.0000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư là hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV.

Công tác giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên đã được triển khai, đảm bảo tiến độ và phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt.

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2023, rút ngắn thời gian 4 tháng so với chủ trương đầu tư được duyệt.

Cảng hàng không Điện Biên là một trong những sân bay chính của lực lượng Phòng không - Không quân tại khu vực phía Tây Bắc. Điện Biên là tỉnh duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Vị trí chiến lược đặc biệt này là cầu nối giữ vị trí xung yếu, then chốt; là mắt lưới rất quan trọng đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc nói riêng và đất nước nói chung.

Hiện nay, do địa thế khu vực lòng chảo và điều kiện thời tiết vùng núi nhiều mây nên chỉ đáp ứng khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR-72, Embraer -190 và tương đương.

Do đó, việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để khai thác các loại tàu bay A320/A321 và tương đương với hệ thống trang thiết bị, phương thức tiếp cận hạ cánh mới có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng - an ninh trong xu thế mới, đảm bảo yêu cầu bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.

Cảng hàng không Điện Biên hiện tại có 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830m x 30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép). 

Ý kiến của bạn

Bình luận