Đầu tư cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu Tây Trang bằng hình thức PPP

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 11/05/2022 09:48

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc tham gia ý kiến đầu tư dự án đường cao tốc Sơn La-Điện Biên-cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1.

Theo quy hoạch, cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La – Điện Biên) có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030 (ảnh minh họa).

Theo quy hoạch, cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La – Điện Biên) có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030 (ảnh minh họa).

Văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn ký cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021, đoạn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La – Điện Biên) có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030.

Tuy nhiên, theo đề xuất của UBND tỉnh Điện Biên, dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 (đoạn TP.Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL.279) dài 50km với quy mô 2 làn xe (giai đoạn 2 hoàn thiện quy mô 4 làn xe), dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vận hành vào tháng 6/2026.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ GTVT làm rõ về sự cần thiết đầu tư, phù hợp về quy mô đề xuất cũng như tính kết nối đồng bộ của dự án với toàn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, dự báo về nhu cầu, lưu lượng giao thông trên tuyến làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất điều chỉnh tiến độ đầu tư của dự án sớm hơn so với quy hoạch đã được phê duyệt.

Về hình thức đầu tư và đề xuất giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 4, Luật PPP, giao thông vận tải thuộc thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP; việc đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Dự án nằm trong phạm vi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên, việc triển khai thực hiện đầu tư, quản lý và khai thác tuyến cao tốc nêu trên thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

Theo Bộ Tài chính, tại Thông báo 92 ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu xây dựng...”.

Vì vậy, căn cứ sự cần thiết cũng như những điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện đảm bảo hồ sơ, trình tự thủ tục theo đúng quy định của Luật PPP và các quy định của pháp luật có liên quan.

“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, UBND tỉnh Điện Biên có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó làm rõ các nội dung được quy định cụ thể tại tại Điều 14 Luật PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Ý kiến của bạn

Bình luận