Nhiều nhà đầu tư cao tốc khẳng định trạm dừng nghỉ đầy đủ tiện nghi là cần thiết để phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi, thu hút người tham gia giao thông lựa chọn tuyến đường. Qua đó để con đường vàng tạo ra giá trị vàng, phát huy hiệu qủa khai thác công trình, góp phần thúc đẩy hoàn vốn dự án, tối ưu bài toán đầu tư BOT các dự án giao thông.
Trên các tuyến đường cao tốc, trạm dừng nghỉ được quy hoạch không chỉ là nơi nghỉ ngơi tái tạo năng lượng cho người tham gia giao thông, cấp nhiên liệu cho các phương tiện sau quãng đường dài, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phát triển vùng miền, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hoá cho địa phương và khu vực.
Ở góc độ các nhà đầu tư, khi nghiên cứu đầu tư một dự án PPP giao thông, ngoài việc xác định lưu lượng phương tiện, doanh thu thu phí hoàn vốn ở thời điểm công trình đường hoàn thành đưa vào sử dụng, nhà đầu tư cần phải có tầm nhìn xa hơn, tính toán hiệu quả đầu tư lâu dài thông qua lưu lượng, doanh thu kỳ vọng trong tương lai. Bởi "giao thông đi trước mở đường", tuyến đường hình thành sẽ thu hút các nhóm nhà đầu tư khác tham gia đầu tư bất động sản, khu công nghiệp, các trạm dừng nghỉ, thương mại dịch vụ khác trên và xung quanh tuyến đường… góp phần tăng năng lực khai thác toàn tuyến.
Cũng chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng dự án đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, thì tính mỹ quan công trình, kèm theo các tiện ích công cộng cũng là những yếu tố được nhà đầu tư chú trọng để tối ưu bài toán đầu tư, thúc đẩy hoàn vốn dự án đường cao tốc.
Điển hình như tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, từ cuối năm 2020 khi dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu, UBND tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất dự án đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cho dự án, hướng tới cảnh quan công trình đường cao tốc, nhiều cây xanh thân thiện với môi trường, các trạm dừng chân có kiến trúc đẹp và tiện nghi, thể hiện được nét văn hoá đặc trưng của địa phương. Mục tiêu để "con đường vàng tạo ra giá trị vàng" và "biến dòng người thành dòng tiền", thu hút người tham gia giao thông lựa chọn tuyến đường đẹp, tiện ích và an toàn, tăng lưu lượng và góp phần vào tính khả thi phương án hoàn vốn dự án.
Thông qua cuộc thi đã tìm ra những tác phẩm xuất sắc, có điểm nhấn cảnh quan mang ý nghĩa đặc trưng như hình ảnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), tượng đài chiến thắng Đông Khê (Cao Bằng), núi non thác Bản Giốc tại công trình hầm; hình tượng chiếc nỏ, cây đàn tính đậm bản sắc dân tộc tại các cầu cạn qua thung lũng… Đặc biệt, qua đó chọn được phương án trạm dừng nghỉ Mộc An trên tuyến với đầy đủ dịch vụ tiện ích, thiết kế theo mô hình nón lá của đồng bào dân tộc tỉnh Cao Bằng, được sử dụng vật liệu địa phương (tre, nứa, gạch trần) gần gũi và thân thiện với môi trường.
Đầu tư trạm dừng nghỉ là "sân chơi" mới trong hệ sinh thái đầu tư hạ tầng giao thông mà nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia, nhưng có nhiều lợi thế dành cho các doanh nghiệp có tầm nhìn và có thế mạnh từ các hoạt động kinh doanh sẵn có. Điển hình như trường hợp của FUTABUSLINES – nhà đầu tư đứng đầu liên danh vừa trúng thầu 3/4 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1.
Được biết, doanh nghiệp này hoạch định đầu tư tối ưu chi phí, tận dụng nguồn lực sẵn có của mình từ dịch vụ vận tải, sản xuất ô tô, bất động sản… Bên cạnh đó, FUTABUSLINES đã tham gia đấu thầu cạnh tranh và đáp ứng các điều kiện trúng thầu 3 trạm dừng nghỉ liền kề nhau trên đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài khoảng 300 km, có lưu lượng xe rất tốt từ Dầu Giây (Đồng Nai) – Phan Thiết (Bình Thuận) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) – Cam Lâm (Khánh Hoà). Điều này cũng giúp nhà đầu tư tối ưu, tiết giảm các chi phí khi có chung thiết kế và hệ thống quản lý đồng bộ.
Trước đó, Bộ GTVT đã từng nhận được đề xuất thành lập chuỗi tổ hợp trạm dừng nghỉ đa chức năng rất hiện đại trên cao tốc Bắc - Nam của một liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc. Nhà đầu tư này sau đó rút không tham gia do các cơ quan quản lý tổ chức đấu thầu từng trạm dừng nghỉ riêng biệt mà không tiến hành đấu thầu theo gói từ 5 -10 trạm dừng nghỉ như mong đợi của họ.
PGS. TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định: "Cuộc đua giành quyền đầu tư khai thác các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam vẫn đang hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị phía trước nhưng cùng chứa đầy những cạm bẫy nếu các nhà đầu tư không tỉnh táo xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơi, bài bản cho lĩnh vực đặc thù này."
Về chất lượng trạm dừng nghỉ, cần phải nhắc lại, giai đoạn trước, còn tình trạng nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ manh mún, thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, chỉ đấu thầu để giành quyền kinh doanh nhưng không thực sự chú trọng vai trò và giá trị cốt lõi của trạm dừng nghỉ … Do vậy, khi đã có quy hoạch trạm dừng nghỉ, cùng các quy định, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành trạm dừng nghỉ ngày càng hoàn thiện, việc đẩy mạnh triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chuyên môn hoá, có tiềm lực để đầu tư bài bản cần được tiến hành khẩn trương.
Chuyên gia Đặng Văn Chung – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đây) nhấn mạnh: "Khi đã có tiêu chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể."
Các chuyên gia đồng thuận, xã hội hoá đầu tư trạm dừng nghỉ là cách làm đúng hướng. Các nhà đầu tư khi được lựa chọn tham gia xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng các quy định hiện nay đã được trải qua nhiều quy trình, nhiều tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe nên có thể tin tưởng sẽ đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để làm tốt công việc theo cam kết, mang lại hiệu quả cho xã hội. Điều quan trọng lúc này là người dân, xã hội cần đồng tình, ủng hộ để tạo động lực cho cơ quan chức năng, nhà đầu tư an tâm thực hiện nhiệm vụ.
Kiến nghị các cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để đảm bảo an toàn, tiện nghi, hiệu quả khai thác các công trình đường cao tốc phục vụ xã hội. Đối với các dự án đầu tư BOT, đây còn là giải pháp tăng lưu lượng phương tiện, góp phần thúc đẩy hoàn vốn dự án, tối ưu bài toán đầu tư các dự án giao thông PPP
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.