Để mỗi chuyến ra khơi luôn được bình yên

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 08/02/2019 16:17

Năm 2018, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã chủ động trong công tác điều hành, chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể nên công tác an toàn hàng hải tiếp tục được tăng cường, ý thức trách nhiệm được nâng lên.

 

tim kiem cưu nan
 

Ngay từ đầu năm, Cục HHVN đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-CHHVN ngày 18/01/2018 về Kế hoạch hành động “Năm ATGT 2018”, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban và đơn vị, đưa ra các giải pháp với phương châm an toàn là trên hết.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn hàng hải luôn được Cục HHVN chú trọng. Theo đó, Cục đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền tới chủ tàu, thuyền viên, hành khách và tăng cường kiểm tra tại các đầu bến, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết; bảo đảm tàu thuyền hoạt động tại tuyến bờ ra đảo an toàn tuyệt đối; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT hàng hải khu vực miền Bắc, Trung, Nam để nâng cao ý thức cho các đối tượng tham gia giao thông hàng hải, phòng tránh tai nạn hàng hải.

Bên cạnh đó, Cục HHVN đã tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn cho các sỹ quan kiểm tra tàu biển và cán bộ làm công tác điều tra tai nạn hàng hải của các cảng vụ hàng hải nhằm cập nhật kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải (Hội nghị Điều tra tai nạn hàng hải và triển khai chiến dịch kiểm tra tập trung theo Thỏa thuận Tokyo MOU tại Quy Nhơn; Hội nghị về công tác kiểm tra tàu biển tại Hải Phòng; Chương trình đào tạo cho các sỹ quan kiểm tra tàu biển do các chuyên gia từ Tokyo MOU giảng dạy tại Đà Nẵng; Chương trình trao đổi sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển với Chính quyền hàng hải Liên bang Nga, Hồng Kông, New Zealand).

Nhận thức được việc tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện VR-SB là đối tượng chủ yếu có thể gây ra tai nạn do sự yếu kém của thuyền viên, việc thiếu trang thiết bị hành hải…, từ ngày 01/9 - 01/10/2018, Cục HHVN đã triển khai Tháng ATGT hàng hải năm 2018 với nội dung tập trung tăng cường kiểm tra đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện VR-SB, khi phát hiện các khiếm khuyết sẽ yêu cầu thuyền viên và chủ tàu khắc phục  triệt để trước khi cho tàu rời cảng.

Ngoài ra, Cục HHVN còn chỉ đạo triển khai các mặt bảo đảm an toàn hàng hải như: Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hàng hải trên cơ sở hạ tầng cảng biển hiện có để cho các tàu lớn giảm tải vào cảng biển Việt Nam, tạo điều kiện phát triển kinh tế hàng hải khu vực (tàu CMA CGM Marco Polo, Quốc tịch Vương quốc Anh, chiều dài 396m, chiều rộng 53,6m, tổng trọng tải 187.396,6 DWT, 16.000 TEU; tàu APL RAFFLES, Quốc tịch Singapore, chiều dài 397,88m, chiều rộng 51m, tổng trọng tải 177.385 DWT, 17.292 TEU).

Do triển khai tốt các mặt công tác nên hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải đã đạt được những kết quả khả quan, trật tự an toàn hàng hải được tăng cường. Tính đến ngày 15/12/2018 đã xảy ra 18 vụ tai nạn hàng hải, làm chết và mất tích 4 người. So với năm 2017, số vụ tai nạn hàng hải năm 2018 đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, tai nạn hàng hải giảm 01 vụ (18/19, giảm 5,3%); số người chết và mất tích giảm 8 người (4/12, giảm 67%), không có người bị thương.Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.212 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện mang cấp VR-SB, phát hiện 2.149  lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 12.486 khiếm khuyết; kiểm tra 467 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 410 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 3.161 khiếm khuyết; kiểm tra 2.009 lượt tàu biển nước ngoài, trong đó 1.598 lượt tàu biển kiểm tra lần đầu, phát hiện 770 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 2.063 khiếm khuyết, không lưu giữ tàu nào.

Đặc biệt, khu vực Tokyo MOU đã có 1.054 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra (tăng 136 lượt tàu so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 856 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra lần đầu, phát hiện 2.618 khiếm khuyết các loại liên quan đến 663 lượt tàu, lưu giữ 25 lượt tàu, tỷ lệ lưu giữ là 2,92% (tỷ lệ lưu giữ năm 2017 là 3,56% và đội tàu biển Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách Trắng của Tổ chức Tokyo MOU).

Hàng năm, Cục HHVN được giao nhiệm vụ tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn tại khu vực vùng nước cảng biển (01 năm/lần). Tuy năm 2018 với nguồn kinh phí được cấp có hạn nhưng Cục HHVN vẫn tiến hành 02 cuộc diễn tập tại Nghệ An và Quảng Ngãi. Theo đó, một số nội dung cuộc diễn tập đã được đổi mới, các cuộc diễn tập đã rà soát, đánh giá và nâng cao năng lực phối hợp tìm kiếm cứu nạn của cảng vụ hàng hải, các lực lượng tham gia tìm kiếm thuộc ngành GTVT và các lực lượng chức năng liên quan trong vùng nước cảng biển, bao gồm năng lực chỉ huy, điều hành, phối hợp xử lý tình huống, kỹ năng và xử lý nghiệp vụ hàng hải và nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Từ đó, khả năng chủ trì, phối hợp chỉ huy lực lượng tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng, phương tiện tại chỗ được huy động để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển. Đồng thời, đây cũng là dịp để trao đổi, tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó triển khai công tác chủ trì, phối hợp trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn và xây dựng kế hoạch huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tiễn hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển, nhất là đối với diễn biến thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay.

Công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai luôn được chú trọng. Năm 2018, Việt Nam chịu ảnh hưởng của 9 cơn bão. Được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GTVT, Cục HHVN đã chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống thiên tai nhanh chóng, kịp thời tới tất cả các doanh nghiệp cảng biển và tàu thuyền. Công tác tìm kiếm cứu nạn đã tiếp nhận và xử lý hơn 497 vụ báo nạn, điều động 85 lượt tàu SAR đi cứu nạn, cứu và hỗ trợ 1.078 người, trong đó có 22 người nước ngoài, số phương tiện được cứu và trợ giúp là 89 phương tiện

Ý kiến của bạn

Bình luận