Ảnh minh họa |
Khẳng định đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt, gây ra nhiều xung đột và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông trên đường sắt phức tạp, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội vừa có đề xuất di dời tuyến đường sắt liên tỉnh và Ga Hà Nội ra khỏi nội đô để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông bảy tháng của năm 2017 trên địa bàn Hà Nội vào sáng 8/8, theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, hiện Hà Nội có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt.
Đặc biệt, trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn đường sắt liên tỉnh trong nội thành. Theo tướng Bình, đoạn đường sắt "vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông."
“Ga Hà Nội cũng là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân bằng đường sắt. Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời Ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành,” Thiếu tướng Bình kiến nghị.
Với biện pháp này, vị Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tin tưởng sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn thủ đô.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, tai nạn giao thông đường sắt có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tại những địa phương có nhiều đường ngang tự mở giao cắt với đường sắt.
“Một phần do người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông, coi thường nguy hiểm, tự ý vượt đường sắt khi tàu chạy qua. Mặt khác, nhiều đường ngang do người dân tự mở, thiếu hệ thống cảnh báo nguy hiểm,” ông Viện đánh giá.
Từ nay đến cuối năm nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai xây dựng gờ giảm tốc tại 92 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sớm triển khai dự án nâng cấp cải tạo thành đường ngang có gác hoặc đường ngang có cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động tại các đường ngang qua đường sắt có lưu lượng tham gia giao thông cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố./.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, từ ngày 16/12/2016 đến 15/7/2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 807 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, làm 319 người chết, 656 người bị thương.Trong đó, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 14 vụ, làm 13 người chết (tăng 5 vụ, tăng 5 người chết, giảm 1 người bị thương so với cùng kỳ năm trước đó). |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.