Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc kiến nghị bổ sung dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục dự án quan trọng quốc gia.
Theo Sở GTVT, việc bổ sung dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là phù hợp và cần thiết, nhằm tranh thủ sự ủng hộ về nguồn vốn ngân sách Trung ương tham gia thực hiện dự án. Việc này góp phần sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.
Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài rất cần thiết để đồng bộ với tiến độ khai thác đường Vành đai 3, Vành đai 4. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành có chức năng tăng cường kết nối Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Tuyến đường này có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Trước đó ngày 17/3/2023, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về quy mô, phương án đầu tư các kịch bản tài chính của dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận đầu tư tuyến cao tốc này theo phương án 1. Cụ thể, đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, trong đó giải phóng mặt bằng một lần với quy mô 6 làn xe. Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia là 48% tổng mức đầu tư dự án.
Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 20.889 tỷ đồng, tăng 4.160 tỷ đồng so với tổng vốn trong tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND Thành phố tháng 12/2022 là 16.729 tỷ đồng, tăng 4.989 tỷ đồng so với Nghị quyết của HĐND TP.HCM về thông qua chủ trương đầu tư dự án hồi tháng 10/2021.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ TP.HCM và tỉnh Tây Ninh 29% tổng vốn Nhà nước tham gia dự án (tương đương 2.900 tỷ đồng) từ ngân sách Trung ương để phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương. Trong đó, phần vốn hỗ trợ tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng (100% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) và TP.HCM là 1.368 tỷ đồng (25% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng).
TP.HCM dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong quý II/2023, dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2027.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.