Theo nhiều chuyên gia cũng như những người dân, việc mở làn riêng dành cho xe buýt tại thời điểm hiện tại khó có tính khả thi do điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn nhiều hạn chế. ảnh: K.O |
Từng mở rồi lại đóng
Rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên việc phân làn đường riêng cho xe buýt được đề cập đến. Trước đó, khoảng tháng 4/2004, Hà Nội đã mở đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi. Sau đó, vì nhiều bất cập cùng với việc triển khai thi công đường sắt trên cao nên làn riêng này được bãi bỏ. Vậy nhưng mới đây, TTQL&ĐHGTĐT Hà Nội lại đề xuất mở làn riêng cho xe buýt thường trên chính con đường này.
Theo lý giải của TTQL & ĐHGTĐT, ở Hà Nội có 112 tuyến xe buýt với 18.000 lượt xe. Tuy nhiên, lượng phương tiện công cộng gồm xe buýt, taxi… mới chỉ giải quyết 15% nhu cầu của người dân. Việc mở làn riêng cho xe buýt nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ùn tắc giao thông, thu hút người dân tham gia bằng phương tiện công cộng như xe buýt (gồm xe buýt thường và xe buýt BRT).
Theo đó, TTQL&ĐHGTĐT đưa ra kiến nghị dành riêng một làn cho xe buýt tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Trắng (Hà Đông). Ngoài ra, sau khi tuyến đường sắt trên cao hoàn thành sẽ làm làn riêng cho xe buýt thường dọc trục đường này và kết nối ngang giữa các tuyến xe buýt với các nhà chờ.
Đại diện Trung tâm cho rằng, trên đường Nguyễn Trãi có đủ các điều kiện mở làn ưu tiên cho xe buýt bởi hai bên làn đường đều có chiều rộng hơn chục mét, tuyến đường có thể tổ chức tốt cho hệ thống xe buýt gom kết nối với tuyến đường sắt trên cao để thuận tiện và thu hút lượng khách hơn. Hơn nữa, đây mới là kế hoạch trong năm của trung tâm. Việc mở làn đường dành riêng cho buýt thường trên tuyến đường này hay không cần có khảo sát thực tế, số liệu cụ thể và giải pháp ban đầu.
Trước đề xuất này, PV đã có khảo sát thực tế trên trục đường này từ đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông). Sau khi tuyến đường sắt trên cao cơ bản được lắp đặt xong, hàng rào tôn phía dưới dọc đường Nguyễn Trãi được tháo dỡ, tuyến đường trở nên thông thoáng, các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn. Nhưng đến giờ cao điểm, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến khiến nhiều khu vực vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ như gần cầu vượt Ngã Tư Sở, nút giao Khuất Duy Tiến, khu vực chợ Phùng Khoang...
Bên cạnh đó, hiện nay mặt đường của tuyến đường này đã xuống cấp, nhiều đoạn đường lồi, lõm, bong tróc, gồ ghề nhất là phần đường dành cho thi công đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trước đề xuất của TTQL & ĐHGTĐT Hà Nội, nhiều người dân cho rằng việc mở làn riêng cho xe buýt tại tuyến đường trên sẽ làm gia tăng tình trạng kẹt xe. Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng việc có làn đường riêng cho xe buýt là cần thiết nhưng không phải là tuyến đường Nguyễn Trãi và cũng không phải tại thời điểm hiện tại. Việc mở làn riêng dành cho xe buýt cần có sự tính toán kỹ lưỡng và chỉ nên triển khai ở những làn đường rộng như Vành đai 3, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ…
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) đánh giá: “Việc mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt là phương án tốt tuy nhiên cần phải nghiên cứu để các chỉ số về đồng bộ phải đảm bảo. Từ khâu thiết kế, quy hoạch, và xây dựng chất lượng hoạt động trên đó cũng như kết nối đường sắt đô thị và kết nói với các tuyến xe buýt khách cắt ngang tuyến đó phải đảm bảo”.
Còn theo chuyên gia Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì “Việc nghiên cứu để cải thiện chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian của xe buýt là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có những tính toán cụ thể, kỹ lưỡng thì có thể nó sẽ gây ra hiệu ứng ngược, giống như mô hình xe buýt nhanh mà chúng ta từng gặp phải. Xây dựng tuyến đường dành riêng cho xe buýt tại thời điểm hiện tại là không hợp lý”, ông Liên cho hay.
Lý giải về nguyên nhân tại sao thời điểm này chưa phù hợp, ông Liên cho rằng, cơ sở hạ tầng của Hà Nội còn hạn chế và tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố của Thủ đô hiện nay theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt. Nếu chúng ta dành riêng 1/3 con đường cho xe buýt thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng đã tắc lại càng thêm tắc.
Thứ 2, việc xây dựng làn riêng dành cho xe buýt chắc chắn cần dùng đến Ngân sách Nhà nước. Trong khi hiện nay, ngân sách của thành phố vẫn hạn hẹp, mỗi năm Thành phố cũng đầu tư cho xe buýt khoảng 12.000 – 13.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta đầu tư mà không hiệu quả thì tốn kém cho ngân sách.
Thứ 3, chúng ta cần tính toán kĩ lưỡng giữa việc nếu chưa có làn đi riêng thì công suất vận tải hành khách mỗi ngày, mỗi giờ là bao nhiêu. Nếu làm làn riêng thì số hành khách có tăng lên không? tăng lên bao nhiêu % để có những đánh giá chính xác? Vì đây vừa là phục vụ giao thông công cộng nhưng cũng là phục vụ cho việc kinh doanh mà lại sử dụng ngân sách Nhà nước thì cần tính toán hết sức cụ thể.
Ông Liên cũng cho rằng, việc xây dựng làn đường riêng cho xe buýt chỉ nên thực hiện khi tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động nhưng cũng phải xem xét lượng khách đi xe buýt còn nhiều không.
Việc phân làn, tách dòng phương tiện, giảm thiểu xung đột giao thông, tăng khả năng lưu thông là tốt. Thế nhưng, ý thức người dân, hạ tầng giao thông tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành chưa theo kịp với sự phát triển của vận tải. Minh chứng dễ nhất là dù xe buýt nhanh BRT được dành một lối đi riêng nhưng tình trạng người dân lấn làn xe buýt BRT vẫn diễn ra do việc ùn tắc giao thông. Do vậy, việc xây dựng một làn đường riêng dành cho xe buýt cần phải có tính toán cụ thể.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.