Dự án BOT còn nhiều bất cập do quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2005 - 2020, cả nước đã huy động khoảng 674.080 tỷ đồng đầu tư 224 dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.
Trong đó, Bộ GTVT đã huy động khoảng 247.575 tỷ đồng đầu tư 72 dự án theo phương thức PPP (chiếm 32,14% về số lượng dự án và chiếm 36,73% về vốn huy động) và các địa phương triển khai được 152 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 426.505 tỷ đồng, chiếm 67,86% về số lượng dự án và chiếm 63,27% về vốn huy động.
Theo Bộ GTVT, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP hoàn thành đưa vào khai thác đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, do triển khai trong bối cảnh pháp luật về PPP chưa hoàn chỉnh, các chủ thể (bao gồm cả phía cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng và cơ quan xây dựng pháp luật) chưa có nhiều kinh nghiệm nên một số dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đã phát sinh vướng mắc, bất cập.
Cụ thể đối với bất cập về thu phí, trong giai đoạn trước đây, việc cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác và thu phí để hoàn vốn đã phát sinh bất cập, người dân không được quyền lựa chọn dịch vụ sử dụng (người tham gia giao thông bắt buộc phải trả phí dịch vụ, không được miễn phí như trước đây, mặc dù chất lượng dịch vụ được nâng cao sau khi nâng cấp, cải tạo).
Bên cạnh đó, do các tuyến quốc lộ chủ yếu là giao cắt cùng mức với các trục đường ngang nên chỉ áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt) nên không bảo đảm tính công bằng; một bộ phận người dân sinh sống khu vực lân cận trạm thu phí mặc dù có thể sử dụng quãng đường rất ngắn nhưng do thu phí theo lượt nên vẫn phải mất phí giống như các phương tiện sử dụng toàn bộ chiều dài của dự án.
Giai đoạn trước năm 2010, một số trạm thu phí trên tuyến quốc lộ được thành lập để thu phí nộp ngân sách nhà nước; khi đầu tư dự án BOT, các trạm này tiếp tục được tận dụng để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT, nhưng vị trí trạm thu phí nằm ngoài phạm vi đầu tư dự án BOT.
Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả tài chính triển khai theo hình thức BOT, một số dự án đã kết hợp giữa hợp phần xây dựng tuyến đường mới song hành và hợp phần cải tạo nâng cấp đường hiện hữu, thu phí trên cả đường hiện hữu và tuyến mới với cùng một mức phí, trong khi chi phí cải tạo nâng cấp đường hiện hữu thấp hơn nhiều so với chi phí xây dựng tuyến mới song hành.
Một số vị trí trạm thu phí đặt gần tuyến ngang kết nối với dự án BOT dẫn đến phần lớn lưu lượng chỉ sử dụng một đoạn rất ngắn trên tuyến đường BOT nhưng vẫn phải mất phí (như trạm Bờ Đậu trên QL3 tỉnh Thái Nguyên, trạm T2 trên QL91 TP.Cần Thơ).
Chính vì những bất cập này đã tạo bức xúc cho người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người dân sinh sống gần khu vực đặt trạm thu phí; thậm chí đã phát sinh hiện tượng người dân tụ tập phản đối, gây mất an ninh trật tự; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu phí, hoàn vốn cho dự án BOT.
Đặc biệt, một số dự án đã đưa vào khai thác 3 - 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được thu phí hoàn vốn (như trạm Bờ Đậu trên QL 3 tỉnh Thái Nguyên, trạm thu phí Bỉm Sơn trên QL1 tỉnh Thanh Hóa, trạm thu phí T2 trên QL 91 TP.Cần Thơ, trạm thu phí trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan…).
Đề cập đến vướng mắc về doanh thu, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình khai thác dự án BOT, do nhu cầu phát triển KT-XH, một số địa phương đã đầu tư các tuyến đường ngang hoặc song hành với dự án BOT bằng nguồn ngân sách nhà nước dẫn đến hiện tượng phân chia lưu lượng, gây sụt giảm doanh thu các dự án BOT (dự án BOT cải tạo nâng cấp QL32 cầu Ngọc Tháp tỉnh Phú Thọ; dự án BOT cầu Văn Lang kết nối TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) với huyện Ba Vì (TP.Hà Nội); dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL91 TP.Cần Thơ,…)
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ điều tiết kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tăng phí theo lộ trình hợp đồng BOT đã ký kết chưa được thực hiện, dẫn đến các dự án BOT bị sụt giảm doanh thu so với Hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ra, các yếu tố về phát triển KT-XH trong nước và quốc tế có nhiều biến động; một số quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, miền và quy hoạch của địa phương có sự điều chỉnh về vị trí, quy mô, tiến độ thực hiện,… dẫn đến có sự biến động lớn giữa số liệu về lưu lượng xe lưu thông thực tế so với số liệu dự báo nhu cầu vận tải khi ký kết hợp đồng BOT trước đây.
Đặc biệt, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua đã dẫn đến sụt giảm về nguồn doanh thu, hiệu quả tài chính của dự án BOT. Những vướng mắc, bất cập nêu trên đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính của dự án BOT.
Theo Bộ GTVT, những vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để gây phát sinh nợ xấu đối với khoản vay tín dụng của ngân hàng, doanh nghiệp đứng bên bờ vực bị phá sản,… điều này đã tạo nên tâm lý "quan ngại" cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong việc tiếp 4 tục tham gia các dự án PPP mới, gây tác động không tốt đến môi trường thu hút đầu tư PPP.
Bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng hỗ trợ cho dự án hầm Đèo Cả
Liên quan đến đề xuất giải pháp xử lý đối với một số trạm thu phí/dự án BOT còn vướng mắc, bất cập, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, triển khai Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị quyết 63 ngày 15/6/2018, Nghị quyết 83 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung xử lý, giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích các bên theo hợp đồng đã ký, tạo điều kiện khơi thông và thu hút nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời xác định, đây là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Từ năm 2017, Bộ GTVT đã thực hiện rà soát tổng thể các dự án chuẩn bị đầu tư, dự án mới ký kết hợp đồng, đồng thời đánh giá tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ. Trên cơ sở kết quả đánh giá bất cập, Bộ GTVT đã chủ động dừng 11 dự án đầu tư trên đường hiện hữu.
Đồng thời, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan, trên cơ sở đánh giá vướng mắc, bất cập của từng trạm thu phí và hiệu quả tài chính của từng dự án để lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp, qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã được đảm bảo, công tác thu phí cơ bản ổn định.
Theo đó, trong tổng số hơn 70 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, Bộ GTVT đã rà soát, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đã thống nhất giải pháp xử lý được 14 trạm thu phí đưa vào hoạt động bình thường; đến nay, còn tồn tại 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập nên chưa được thu phí và 4 dự án BOT giảm doanh thu lớn, phá vỡ phương án tài chính.
Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nhiều giải pháp xử lý bất cập và tháo gỡ khó khăn các trạm thu phí/dự án BOT nêu trên nhưng đều không bảo đảm hiệu quả về tài chính và tính khả thi để triển khai thực hiện; để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT này cần bố trí vốn nhà nước để hỗ trợ, thanh toán các khoản chi phí đầu tư.
Đề cập đến giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả theo hình thức BOT, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường bộ cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan (tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng) được đầu tư theo hình thức BT, quy mô đầu tư phân kỳ 2 làn xe, hướng tuyến song song với QL1 đoạn qua đèo Hải Vân.
Sau khi đầu tư bổ sung hạng mục hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân vào dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, để bảo đảm hiệu quả tài chính cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả tại Văn bản 70 ngày 12/1/2016.
Triển khai Nghị quyết số 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả rà soát đánh giá cho thấy, việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan (đầu tư bằng ngân sách nhà nước) để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ bất cập do "đầu tư một nơi, thu phí một nơi", có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông.
Để giải quyết bất cập tại trạm La Sơn - Túy Loan, từ năm 2018, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp xử lý bất cập tại trạm La Sơn - Túy Loan theo hướng không sử dụng trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Đồng thời, bổ sung vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ dự án nhằm bảo đảm phương án tài chính; xây dựng đề án thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan để nộp ngân sách nhà nước và giảm ảnh hưởng đến phân chia lưu lượng giao thông với tuyến QL1.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, đồng thời bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng để hỗ trợ cho dự án (tương tự cơ chế đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương áp dụng đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019).
Đối với tuyến La Sơn - Túy Loan, Bộ GTVT đề xuất, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền thông qua để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước (tương tự các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 52/2017/QH14), nhằm hạn chế sụt giảm doanh thu và điều tiết lưu lượng giao thông hợp lý giữa tuyến QL1 và cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.