Đề xuất sửa quy định độ tuổi người được cấp giấy phép lái tàu

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
19/05/2022 16:17

Một số quy định về lái tàu cần được sửa đổi phù hợp với các dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới tại Việt Nam.

Theo Cục Đường sắt VN, nên quy định độ tuổi tối thiếu lái tàu đường sắt đô thị là 21, độ tuổi tối đa theo quy định của Luật Lao động (Ảnh minh họa)

Theo Cục Đường sắt VN, nên quy định độ tuổi tối thiếu lái tàu đường sắt đô thị là 21, độ tuổi tối đa theo quy định của Luật Lao động (Ảnh minh họa)

Đề xuất giảm độ tuổi tối thiểu cấp phép lái tàu đường sắt đô thị 

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, khi xây dựng Luật Đường sắt năm 2017, việc xác định độ tuổi của người được cấp giấy phép lái tàu dựa theo cơ sở, để học lái tàu trên đường sắt quốc gia (ĐSQG), học viên lái tàu sau khi tốt nghiệp trung học là 19 tuổi, thời gian học lái tàu hết 1,5 năm; thời gian phụ lái tàu ít nhất 02 năm theo quy định của doanh nghiệp. Như vậy, quy định tuổi bắt đầu lái tàu đường sắt quốc gia 23 tuổi là phù hợp, ổn định chưa có tồn tại bất cập trong thời gian qua.

Tuy nhiên, khi xây dựng quy định độ tuổi tối thiểu của người được cấp giấy phép lái tàu (GPLT) trong Luật Đường sắt, do chưa có kinh nghiệm nhiều về công tác đào tạo chức danh nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu đường sắt đô thị nên đã quy định độ tuổi tối thiểu chung cho các loại hình đường sắt: quốc gia, đô thị, chuyên dùng.

Thời gian qua, tại một số tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) mới lần đầu tiên có công nghệ khai thác tại Việt Nam đều có công tác đào tạo, cấp chứng chỉ lái tàu cho các học viên lái tàu đô thị. Theo đó, để học lái tàu trên đường sắt đô thị, học viên lái tàu sau khi tốt nghiệp trung học là 19 tuổi, thời gian học lái tàu trung bình từ 1 đến 1,5 năm; thời gian vận hành khai thác thử trung bình 03 – 06 tháng. Do vậy, Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, chỉ nên quy định độ tuổi lái tàu đường sắt đô thị bắt đầu từ 21 tuổi là phù hợp với thực tế.

Theo số liệu thống kê quản lý của Cục Đường sắt Việt Nam, số lượng lái tàu có giấy phép còn hiệu lực tính đến nay là 978 người trên đường sắt quốc gia, 36 người trên đường sắt đô thị  và 229 người trên đường sắt chuyên dùng. Trong đó, từ nay đến năm 2030, số lượng lái tàu đủ 55 tuổi sẽ là 286 người.

Bên cạnh quy định về độ tuổi tối thiểu, quy định về độ tuổi tối đa của người được cấp GPLT cũng cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp. 

Cục ĐSVN cho biết thêm, sau khi kiểm tra, rà soát quy định về độ tuổi tối thiểu, tối đa của người được cấp giấy phép điều khiển các phương tiện khác như máy bay, ô tô, phương tiện thủy nội địa, tàu biển… thấy rằng, hiện nay các quy định về độ tuổi tối đa của người được cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông cơ bản không quy định cứng độ tuổi nhất định mà theo hướng phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật lao động.

Chẳng hạn như, đối với người lái tàu bay, tuổi tối đa là 65 đối với nam, 60 đối với nữ; đối với người lái phương tiện đường thủy nội địa, không quy định độ tuổi tối đa; đối với thuyền viên tàu biển Việt Nam, có đủ độ tuổi lao động và tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định; đối với lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, dự thảo Luật Giao thông đường bộ mà Bộ GTVT đang trình Chính phủ quy định tuổi tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.

Do những đặc thù về công tác đào tạo, cấp chứng chỉ lái tàu, Cục Đường sắt VN đề xuất sửa đổi quy định về độ tuổi người được cấp giấy phép lái tàu theo hướng, đủ 23 tuổi đối với lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; đủ 21 tuổi đối với lái tàu đường sắt đô thị, độ tuổi tối đa phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.

Phân cấp cho địa phương cấp phép lái tàu đường sắt đô thị

Theo quy định pháp luật hiện nay, Bộ GTVT là cơ quan quy định điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu và tổ chức thực hiện các công tác này. Cục Đường sắt VN là cơ quan trực tiếp sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu cho đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

Mặt khác, Luật Đường sắt cũng quy định, UBND cấp tỉnh đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Đường sắt chuyên dùng phục vụ riêng nhu cầu của tổ chức, cá nhân do tổ chức, cá nhân tự quản lý, sử dụng. Đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, công bố, điều chỉnh.

UBND cấp tỉnh và các cấp của chính quyền địa phương là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, chịu trách nhiệm bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn quản lý.

UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản đầu tư các dự án ĐSĐT, trong đó có công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên ĐSĐT. Sau khi đầu tư xong dự án ĐSĐT, chủ đầu tư dự án bàn giao dự án (trong đó có các nhân sự lái tàu đã được đào tạo theo chương trình dự án) cho doanh nghiệp kinh doanh ĐSĐT để quản lý, vận hành, khai thác.

Cục Đường sắt VN đánh giá, mô hình quản lý, đầu tư, khai thác đường sắt đô thị tại hai thành phố Hà Nội, TP. HCM đã được kiện toàn. Theo đó, chức năng quản lý nhà nước về đường sắt đô thị là các sở GTVT, chủ đầu tư là các ban quản lý đường sắt đô thị. Kết thúc quá trình đầu tư, các tuyến ĐSĐT sẽ được bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác ĐSĐT để vận hành, khai thác.

Tại hai thành phố trên, các doanh nghiệp đã được thành lập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành các tuyến ĐSĐT trên địa bàn thành phố.

Để tạo chủ động, nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương quản lý nhà nước đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, trong đó có chức danh lái tàu ĐSĐT, đường sắt chuyên dùng và thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương đảm bảo ATGT đường sắt, Cục Đường sắt VN cho rằng, cần thiết phải xem xét điều chỉnh một số nội dung liên quan đến phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ĐSĐT, đường sắt chuyên dùng.

Ngoài ra, việc thực hiện sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên ĐSĐT, đường sắt chuyên dùng do các cơ quan QLNN ở địa phương thực hiện đảm bảo tính khả thi không gây xáo trộn cơ cấu bộ máy tổ chức của các cơ quan này.

Do đó, Cục Đường sắt VN đề xuất sửa đổi quy định về cấp giấy phép lái tàu theo hướng, Bộ trưởng Bộ GTVT quy định điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu; tổ chức thực hiện sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị có nối ray hoặc chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia. UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu đối với đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

Ý kiến của bạn

Bình luận