Đề xuất tăng phí dự án BOT theo lộ trình

Tác giả: Vũ Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 28/03/2023 16:48

Nhiều nhà đầu tư BOT đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam cho phép tăng phí theo lộ trình để bù đắp phần nào thiệt hại sau thời gian chưa được điều chỉnh giá vé.

Đề xuất tăng phí dự án BOT theo lộ trình - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy

Kiến nghị điều chỉnh giá vé từ 1/4/2023

Theo thông tin của Tạp chí Giao thông vận tải, Công ty TNHH BOT&BT QL20 vừa có văn bản đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Liên Đầm thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo, QL20 đoạn Km123+105,17 - Km154+400, tỉnh Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BOT.

Lý do tăng phí được doanh nghiệp này đưa ra là để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án, thời gian dự kiến tăng phí từ ngày 1/4/2023. Theo đề xuất của Công ty TNHH BOT&BT QL20, mức giá vé dự kiến đối với nhóm xe loại 1 (xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn, xe con) được điều chỉnh tăng từ 35.000 đồng/vé/lượt (hiện nay) lên mức 41.000 đồng/vé/lượt. Tương tự, nhóm xe loại 2 dự kiến tăng từ 50.000 đồng/vé/lượt lên mức 59.000 đồng/vé/lượt,… nhóm xe loại 5 (xe tải trên 18 tấn, container 40fit) được đề xuất tăng từ 180.000 đồng/vé/lượt lên mức 200.000 đồng/vé/lượt.

Trước đó, cuối tháng 2/2023, doanh nghiệp dự án BOT tuyến tránh TP.Vinh và nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP.Hà Tĩnh cũng đã phát văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cho phép tăng mức phí sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.

Đại diện doanh nghiệp dự án này cho biết, theo quy định tại hợp đồng, phụ lục hợp đồng dự án thì cứ 3 năm điều chỉnh tăng phí một lần, mỗi lần tăng 18% đối với tất cả các loại phương tiện chịu phí. Theo đó, thời điểm tăng mức phí tiếp theo được xác định bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Đây là thời điểm áp dụng mức phí mới quy định tại Thông tư 255/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

"Căn cứ quy định này, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã có nhiều văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều chỉnh tăng phí tại hai trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 nhưng đến nay chưa được chấp thuận", đại diện doanh nghiệp dự án cho hay.

Trên cơ sở đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận điều chỉnh phí sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 từ ngày 1/4/2023 với tỷ lệ điều chỉnh giá vé tăng bình quân khoảng 14,47% so với mức giá vé hiện hành đang thu.

Một dự án BOT khác cũng được nhà đầu tư (Công ty TNHH BOT 36.71) đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận tăng phí từ ngày 1/4/2023 là công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+054,51 - Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km108+00 - Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Trung Dũng,  Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 cho biết, dự án đã đưa vào khai thác gần 8 năm. Trong hợp đồng BOT ký ngày 24/10/2014 đã quy định lộ trình tăng giá vé lần 1 vào năm 2019 và lần 2 là năm 2022.

"Thực tế đến nay, dự án không những không được điều chỉnh tăng mà còn điều chỉnh giảm dẫn đến doanh thu thu phí giảm còn 50 - 60% so với phương tài chính khiến dự án phải vay bù đắp thiếu hụt và lỗ lũy kế gần 400 tỷ đồng", ông Dũng cho biết và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giá vé sử dụng đường bộ tại dự án từ ngày 1/4/2023 với mức tối thiếu bằng 1 chu kỳ điều chỉnh quy định tại hợp đồng dự án (9%).

Sẽ sớm có giải pháp phù hợp

Ngoài 3 dự án điển hình trên, hiện nay, trên cả nước còn nhiều dự án BOT giao thông chưa được điều chỉnh tăng giá vé theo lộ trình khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của các dự án gặp khó khăn như: Dự án BOT hàm Đèo Cả, dự án BOT QL1 qua Bạc Liêu, dự án BOT QL1 qua Bình Thuận, dự án BOT QL1 qua Sóc Trăng,…

Theo thông tin của PV Tạp chí Giao thông vận tải, để xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT giao thông, ngay từ cuối năm 2022, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ban quản lý dự án khẩn trương rà soát, quyết toán dự án hoàn thành để xác định tổng vốn đầu tư xây dựng công trình dự án bao gồm công  tác giải phóng mặt bằng.

Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan này rà soát, xác định các chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, doanh thu thu phí trong giai đoạn khai thác; xác định lãi suất  vốn vay, tỷ suất lợi nhuận theo quy định của hợp đồng dự án, cập nhật tổng vốn  đầu tư theo kết quả rà soát của ban quản lý dự án và các thông số, tính toán lại  phương án tài chính của dự án để đánh giá hiệu quả tài chính của từng dự án.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan, đơn vị liên  quan, phân tích, làm rõ vướng mắc, bất cập của từng dự án; nguyên nhân của  những vướng mắc, bất cập; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến những vướng mắc, bất cập (nếu có). Trên cơ sở đó, xây dựng các giải pháp, so sánh lựa  chọn và đề xuất giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc, bất cập, bảo đảm nguyên  tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ; đánh  giá cơ sở pháp lý đối với các giải pháp đề xuất.

Trên cơ sở báo cáo đề xuất giải pháp của  Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT xem xét, cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một  số dự án BOT trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), việc tăng phí theo lộ trình là một trong những điều khoản, cam kết đã đạt được sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng nhằm đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính.

Thời gian qua, một số nguyên nhân khách quan, không thể lường trước như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức nhất định trong việc triển khai lộ trình tăng phí BOT giao thông.

Thực tế đó khiến nhiều nhà đầu tư bị hụt nguồn thu, đối diện với rủi ro tài chính và nguy cơ bị tổ chức tín dụng, ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến cả một dây chuyền hoạt động kinh doanh dù quá trình thực hiện đầu tư dự án tuân thủ đúng hợp đồng ký kết và quy định của pháp luật.

"Trong bối cảnh kinh tế dần khởi sắc sau đại dịch như hiện nay, nhà đầu tư rất cần sự chia sẻ từ nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, phối hợp tìm lời giải cho khó khăn giúp nhà đầu tư có nguồn lực vượt qua rủi ro, bù đắp thiệt hại tài chính trong thời gian qua", ông Chủng nói.