Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ của dự án BOT Quốc lộ 1 qua Hà Nam chuẩn bị được vận hành thu phí hoàn vốn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Để đảm bảo cho việc đưa dự án vào vận hành và khai thác đúng tiến độ, phía Công ty FCC cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí (phát vé không thu tiền) dự án với thời gian từ ngày 25/10.
Theo ông Muôn Văn Chiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC, trạm thu phí đã xây dựng và lắp đặt xong thiết bị thu phí, phần mềm quản lý vé thẻ, giám sát, hậu kiểm, hệ thống đảm bảo an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng tại trạm; tuyển dụng đủ số lượng nhân viên và đào tạo nghiệp vụ phục vụ thu phí theo yêu cầu.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ, công trình được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, chất lượng của công trình đáp ứng các yêu cầu của dự án, đủ điều kiện đưa công trình vào khai thác sử dụng theo đúng quy định.
Trong quá trình khai thác, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư căn cứ thực tế giao thông, phối hợp với địa phương và các cơ quan có liên quan để tổ chức khai thác tuyến đường an toàn, phù hợp với tổ chức giao thông trong khu vực.
Trong quá trình thu phí, nhà đầu tư có trách nhiệm duy trì tình trạng làm việc bình thường của tuyến đường, khắc phục ngay các khiếm khuyết, hư hỏng (nếu có) để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Khi dự án đưa vào sử dụng, trạm phí Nam Cầu Giẽ sẽ được đặt tại km216+513 (xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam) sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) cho 2 làn xe, song song với việc thu phí một dừng theo lượt vé ngày, vé tháng, vé quý.
Giá vé được áp dụng theo Thông tư số 44/2016/TT-BTC ngày 3/3/2016, với mức giá giảm khoảng 30% so với giá vé các trạm BOT đang thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và là mức thấp nhất so với các trạm thu phí trên toàn tuyến.
Cụ thể, mức phí sử dụng đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng qua trạm Nam Cầu Giẽ là 25.000 đồng/vé/lượt, 750.000 đồng/vé/tháng và 2,02 triệu đồng/vé/quý; xe 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 40.000 đồng/vé/lượt, 1,2 triệu đồng/vé/tháng và 3,24 triệu đồng/vé/quý…
Dự án được bắt đầu khởi công từ tháng 10/2014 và dự kiến kết thúc vào tháng 12/2016, có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 2.046 tỷ đồng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng và nỗ lực thi công của các nhà thầu, đến nay, các hạng mục của dự án đã hoàn thành, vượt tiến độ gần 5 tháng so với hợp đồng, đảm bảo các điều kiện đưa vào khai thác./.
Dự án đầu tư Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cương mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài 43,3km trong đó, phần tuyến Quốc lộ 1 tránh thành phố Phủ Lý có tổng chiều dài 23,3km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với vận tốc thiết kế 80km/giờ, nền đường rộng 12m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.Phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 20,1km (từ km215+775:km235+885) được tăng cường theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ, mặt đường cấp cao A1. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.