Đến năm 2030, có 18 dự án đường thủy lớn được đầu tư bằng vốn ngân sách

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 22/10/2022 08:33

Theo kế hoạch của Chính phủ, giai đoạn 2021-2030 có 18 dự án đường thủy lớn được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.

 Đến năm 2030, có 18 dự án đường thủy lớn được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Theo kế hoạch của Chính phủ, giai đoạn 2021-2030 có 18 dự án đầu tư hạ tầng đường thủy được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung kế hoạch xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện…

Ngân sách nhà nước sẽ bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hạ tầng liên quan tại khu vực; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch; huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy hoạch.

Theo đó, giai đoạn 20210-2030, danh mục đầu tư các dự án hạ tầng đường thủy được ưu tiên, phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 và dự kiến giai đoạn 2026 – 2030 để thực hiện gồm 18 dự án.

Cụ thể là các dự án: Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống): Cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ (đang thi công); Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (đang thi công); Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Dự án Nâng cấp tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (Hành lang đường thủy số 2); Nâng cấp tuyến vận tải thủy Ninh Bình - Thanh Hóa; Nâng cấp tuyến sông Gianh - giai đoạn 2; Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Lèn - Thanh Hóa; Tuyến vận tải thủy Chợ Đệm - Bến Lức.

Dự án nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền; Tuyến vận tải thủy sông Sài Gòn (đoạn Bến Súc - Bến Củi); Nâng cấp 160km tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái (sông Hồng); Nâng cấp tuyến vận tải thủy 17km Vạn Gia - Ka Long.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông, Nâng cấp tuyến vận tải thủy Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau 250km; Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Bắc); Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 2 (khu vực phía Nam)

Đối với các dự án đầu tư cảng đường thủy hành khách, cảng hàng hóa được xây dựng theo quy hoạch được xác định sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư, duy tu, bảo trì bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điều kiện phát triển, đầu tư các loại hình giao thông khác.

Bộ GTVT và các Bộ, UBND cấp tỉnh được giao chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện theo kế hoạch trên.

Ý kiến của bạn

Bình luận