Chuyển một phần tuyến đường thủy sông Cầu Xe - Mía cho địa phương quản lý

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 16/10/2022 13:06

Luồng đường thủy quốc gia sông Cầu Xe thuộc tuyến Cầu Xe – Mía được chuyển luồng địa phương và giao địa phương tổ chức quản lý, khai thác vận tải.

Chuyển một phần tuyến đường thủy sông Cầu Xe - Mía cho địa phương quản lý - Ảnh 1.

Luồng đường thủy quốc gia sau khi chuyển thành đường thủy địa phương sẽ do địa phương tổ chức quản lý hạ tầng, khai thác vận tải - Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 1327 công bố chuyển đổi 3km luồng đường thủy quốc gia tuyến sông Cầu Xe – Mía thành luồng đường thủy địa phương.

Đoạn luồng chuyển đổi có vị trí từ ngã ba Mía đến âu Cầu Xe, thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương, nằm trên tuyến đường thủy có chiều dài 6km sông Cầu Xe - Mía. Tuyến này hiện đạt cấp III kỹ thuật đường thủy, là tuyến kết nối với tuyến đường thủy quốc gia sông Thái Bình và Văn Úc.

Với quyết định chuyển đổi trên, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức quản lý các hoạt động của tuyến đường thủy sông Cầu Xe đoạn từ ngã ba Mía đến sông Cầu Xe; chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện thủ tục điều chuyển, tiếp nhận, quản lý và khai thác  tài sản hạ tầng đường thủy trên tuyến.

Được biết, Cục Đường thủy nội địa VN đang xây dựng dự thảo Đề án phân cấp, ủy quyền trong quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Theo đó, tổng số có 50 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 1.100km, thuộc địa phận 25 tỉnh, thành phố sẽ được phân cấp cho các địa phương quản lý.

Các địa phương có tên trong danh sách phân cấp quản lý đường thủy, tại khu vực phía Bắc có: Quảng Ninh (4 tuyến, dài 55km), Hải Phòng (4 tuyến, 24km), Tuyên Quang (1 tuyến, 36km), Hà Nam (1 tuyến, 27km), Lai Châu (1 tuyến, 91km), Yên Bái (2 tuyến, 50km), Thái Bình (1 tuyến, 70km), Ninh Bình (3 tuyến, 69km), Thanh Hóa (5 tuyến, 98Km).

Khu vực miền Trung: Nghệ An (2 tuyến, hơn 89km), Hà Tĩnh (3 tuyến, 79 km), Quảng Bình (1 tuyến, 36km), Quảng Trị (1 tuyến, hơn 34km), Thừa Thiên Huế (4 tuyến, hơn 37km), Đà Nẵng (1 tuyến, hơn 19km), Quảng Nam (1 tuyến, 12km),

Khu vực phía Nam có: Đồng Nai (1 tuyến, 40km), Trà Vinh (1 tuyến, 4,5km), Đồng Tháp (2 tuyến, 26,5km), Tiền Giang (1 tuyến, hơn 21km), Bến Tre (2 tuyến, 34,5km), Trà Vinh (1 tuyến, 4,5km), An Giang (1 tuyến, 10km), Bạc Liêu (4 tuyến, hơn 27km) và Cà Mau (4 tuyến, hơn 66km).

Hầu hết các tuyến nằm trong danh mục đề xuất phân cấp, chuyển thành đường thủy địa phương hiện được ủy quyền cho địa phương quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng, một số tuyến không kết nối với tuyến vận tải chính, mật độ phương tiện vận tải thủy ít, tuyến vùng hồ.

Sau khi phân cấp, địa phương thực hiện hoàn toàn quản lý nhà nước về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng tuyến và bến thủy trên tuyến.

Cục Đường thủy nội địa VN hiện quản lý hơn 7.100km tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Từ năm 2009, Bộ GTVT ủy quyền công tác quản lý bảo trì một số tuyến quốc gia cho 11 Sở GTVT và ủy quyền về quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy cho 10 Sở GTVT địa phương.

Ý kiến của bạn

Bình luận