Bộ Giao thông đang soạn thảo các quy định quản lý xe Uber, Grab giống loại hình taxi. |
Tại tọa đàm về quản lý xe Uber, Grab sáng 22/3, ông Vũ Hà - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, với điều kiện giao thông của thành phố đang quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc, cần có giải pháp để giảm lượng xe Uber, Grab.
Theo ông, thời gian qua, Hà Nội cắm biển cấm hoạt động vào giờ cao điểm ở nhiều tuyến phố với loại hình xe nói trên để điều tiết giao thông. Ngoài ra, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ, "đề xuất quản lý Uber, Grab như xe taxi truyền thống về số lượng, chất lượng của xe và lái xe”.
Ngay sau khi ông Vũ Hà phát biểu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội hoàn toàn có đủ thẩm quyền trong việc cấp phù hiệu xe hợp đồng Uber, Grab; nếu cảm thấy điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng, cần thiết có thể đề xuất dừng cấp phù hiệu.
"Ví dụ khi anh tổ chức giao thông thấy ùn tắc thì anh cho phép xe này đi, xe kia dừng. Đây là thẩm quyền trong quản lý nhà nước của các sở giao thông tại địa phương. Chúng tôi đồng ý thí điểm các phương tiện này song khi quá tải thì tạm dừng là việc bình thường", ông Thọ nói.
Đáp lời Thứ trưởng Thọ, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho rằng, chỉ đạo của Bộ là đúng song thực tế các địa phương không thể làm như vậy. Ông cho biết, một số giám đốc Sở Giao thông vận tải nói rằng không dám dừng cấp phù hiệu cho xe Uber, Grab, vì quyết định triển khai và đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử là của Bộ Giao thông vận tải. Ông Hỷ cho rằng, Bộ Giao thông vận tải nên ủy quyền cho các địa phương về việc này.
Trước ý kiến trên, Thứ trưởng Thọ nói: "Nếu sở cảm thấy đó là thẩm quyền của Bộ thì các sở có thể đề nghị lên, Bộ sẽ xem xét. Song đây là thẩm quyền quản lý nhà nước tại địa phương, ngoài Ủy ban tỉnh thì cơ quan tham mưu là Sở Giao thông vận tải quản lý tổ chức giao thông tại địa phương, chứ không phải cái gì cũng đẩy lên Bộ, lên Chính phủ".
Ông Thọ cũng lần nữa gợi ý, trên cơ sở hiện trạng của địa phương về quá tải hạ tầng thì các địa phương có thể tạm dừng ngay cấp phù hiệu cho xe Uber, Grab sau đó báo cáo nếu thấy cần thiết. "Nếu cháy nhà thì phải dùng lực lượng 4 tại chỗ chứ không phải xin ý kiến", Thứ trưởng Thọ ví von.
Đà Nẵng mời Grab, Uber làm việc song bị từ chối
Cũng đề cập về tình trạng cơ quan nhà nước lúng túng trong quản lý Uber, Grab, ông Vũ Thành Nhân, Chủ tịch hiệp hội taxi Đà Nẵng, cho biết, ngày 14/2/2017 UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản tạm thời chưa thí điểm Uber và Grab tại Đà Nẵng căn cứ vào hạ tầng và quản lý giao thông.
Tuy nhiên, sau 2 năm, Grab vẫn hoạt động ngang nhiên, đến nay đã có trên 4.000 xe. Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho rằng đây là nhóm kinh doanh không đúng quy định nên đã mời làm việc và yêu cầu không triển khai, nhưng "họ không gặp và vẫn triển khai."
Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng, cần phải định danh được Uber, Grab là vận tải hay công nghệ, nếu là kinh doanh vận tải thì áp quy định như kinh doanh taxi truyền thống.
Đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho phép các hãng Uber, Grab hoạt động theo hình thức thí điểm xe hợp đồng điện tử. Hiện có 4 trên 5 địa phương đăng ký tham gia, trong đó có Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hoà và TP HCM (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm).
Sau 2 năm thí điểm, theo cơ quan chức năng, mô hình xe hợp đồng điện tử bước đầu được nhiều người dân hưởng ứng và sử dụng do sự tiện lợi của dịch vụ mang lại và chi phí hợp lý. Tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều tranh chấp, hành xử tiêu cực giữa lái xe và hành khách. Tổng số có 866 đơn vị vận tải với 36.800 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó tại TP. HCM là 21.600 xe, Hà Nội là trên 15.000 xe, Quảng Ninh với 62 xe, Khánh Hoà có 100 xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.