|
Giảm mạnh TNGT
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay ghi nhận những chuyển biến rất tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT so với những năm trước. Cụ thể là TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí trên 5%, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ đảm bảo TTATGT khác đều được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Đây là thành quả của sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và sự đồng hành hỗ trợ rất lớn từ các nguồn lực xã hội đã tác động mạnh mẽ trong công tác đảm bảo TTATGT, TNGT tiếp tục được kéo giảm.
Mặt khác, công tác bảo đảm TTATGT của Chính phủ và các địa phương nhận được sự quan tâm, giám sát và ghi nhận của các UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Việc tiếp thu nghiêm túc, kịp thời ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, người dân trong việc xây dựng và thi hành các chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT đã góp phần khắc phục kịp thời những thiếu sót trong công tác xây dựng các văn bản QPPL, từ đó quá trình triển khai đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, ông Thái nhấn mạnh.
Các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số địa phương khác đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường gây mất TTATGT, ưu tiên dành vỉa hè cho người đi bộ, đồng thời tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi cơ giới trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 14.346 vụ TNGT, làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người; so với cùng kỳ 2016, số vụ TNGT giảm 966 vụ (-6,24%), số người chết giảm 330 người (-5,11%), số người bị thương giảm 1.810 người (-13,35%).
Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 14.157 vụ, làm chết 5.979 người, bị thương 11.737 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 876 vụ (-5,78%), giảm 284 người chết (-4,53%), giảm 1.761 người bị thương (-15,12%). Có 51 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 166 người, bị thương 144 người.
TNGT đường sắt xảy ra 113 vụ, làm chết 98 người, bị thương 33 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 72 vụ (-29,39%), giảm 28 người chết (-20,44%), giảm 58 người bị thương (-40,56%), trong đó có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 9 người, bị thương 9 người.
TNGT đường thủy nội địa xảy ra 76 vụ, làm chết 36 người, bị thương 15 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 18 vụ (-19,56%), giảm 18 người chết (-31%), tăng 9 người bị thương (150%), trong đó có 4 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 13 người, bị thương 17 người.
TNGT hàng hải xảy ra 16 vụ, làm chết 12 người, bị thương 01 người; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 02 vụ (14,29%), tăng 9 người bị thương (300%) và tăng 01 người bị thương.
Nâng cao năng lực của địa phương trong đảm bảo TTATGT
Quý IV hàng năm là thời điểm có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao nhất trong năm dẫn tới TNGT thường tăng cao. Cùng với đó, những tháng còn lại trong năm 2017, với đà tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ tiếp tục tăng nhanh, tạo áp lực lớn về TTATGT. Vì vậy, công tác đảm bảo TTATGT trong khoảng thời gian này trở nên rất khó khăn.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 3 tháng cuối năm, công tác đảm bảo TTATGT sẽ đòi hỏi các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là các ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo từ Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia nhằm mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5 đến 10%; giảm số vụ UTGT trong các đô thị lớn và trên các trục giao thông trọng điểm…
Trong đó, quan trọng nhất vẫn là vai trò của các địa phương trong công tác đảm bảo TTATGT. Ngoài việc tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2017, ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo ngành GTVT địa phương, các lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, ATGT trên địa bàn; tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm ATGT tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông nông thôn (bao gồm cả lối đi dân sinh), sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ và huy động người dân tham gia phù hợp quy định pháp luật (đối với lối đi dân sinh); cương quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt. Trong đó, phải gắn trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh lối đi dân sinh trái phép; tổ chức cảnh báo có người gác tại các lối đi dân sinh qua đường sắt có mật độ phương tiện cao.
Riêng đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu để Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị nhằm đảm bảo TTATGT và không ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận dân nghèo sống phụ thuộc vỉa hè.
Bên cạnh đó, các sở GTVT cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, xây dựng và công bố bản đồ các điểm hay UTGT để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông. Đồng thời, khẩn trương xây dựng phần mềm giám sát giao thông trực tuyến tích hợp dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô, toàn bộ camera trong đô thị trên các tuyến đường nhằm mục đích: Quản lý, giám sát, điều hành, cung cấp thông tin vi phạm cho CSGT làm căn cứ xử phạt “nguội”; cung cấp thông tin về tình hình giao thông cho người dân thành phố và những người muốn ra, vào thành phố.
Đặc biệt, các sở GTVT phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly khoảng từ 100 đến 120km theo mô hình quản lý tuyến xe buýt; tổ chức các đoàn tàu ngoại ô xem xét cơ chế trợ giá cho hành khách đi lại trên các tuyến này; tổ chức kết nối với các tuyến xe buýt trong nội thành; tổ chức trông giữ xe tại các đầu bến và các trạm dừng bên ngoài thành phố; xây dựng và thực hiện đề án nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó chú trọng các giải pháp áp dụng nguyên tắc kinh tế thị trường; xác định đối tượng, lộ trình và khu vực áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu phương tiện, đặc biệt là người nghèo và cận nghèo
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.