Dịch Covid-19, nghề 'hot' như phi công phải bán hàng online kiếm sống

Giao thông toàn cầu 09/06/2021 08:58

Phi công là nghề có thu nhập cao, lương tháng hàng chục nghìn USD. Tuy nhiên do dịch Covid-19, các hãng hàng không phải dừng bay đã làm thay đổi tất cả.

unnamed

Phi công, tiếp viên "bó cánh" nhiều tháng trời

Đã hơn một năm trôi qua kể từ lần cuối cùng Cơ trưởng Dejphon Poolpun được bay lên bầu trời. Giống như những phi công khác của Thai Airways, ông không nhận được bất kỳ khoản phụ cấp nào trong khi lương cơ bản thì bị cắt giảm do hãng thua lỗ nặng nề.

Việc gián đoạn bay đã thay đổi hoàn toàn lối sống của ông. Những ngày này, ông dành phần lớn thời gian nấu nướng trong ngôi nhà của mình tại Bangkok. Căn bếp là nơi ông Dejphon cho ra lò những chiếc bánh hạnh nhân để bày bán trên cửa hàng bánh trực tuyến mang tên Flying Sweets của mình. Cửa hàng của ông đã có một lượng khách trung thành khá lớn, giúp ông kiếm được khoảng 3.000 USD/tháng. Khoản thu này là cứu cánh sau khi ông bị cắt giảm 60% lương phi công.

Cơ trưởng Dejphon không phải là người duy nhất bị giảm thu nhập. Trên khắp Đông Nam Á, nhiều phi công và tiếp viên đã bị sa thải, số khác thị bị giảm lương đáng kể. Cơ trưởng Muzaeni, một phi công kỳ cựu của Garuda Indonesia cho biết năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong suốt 32 năm sự nghiệp của ông ở hãng. “Lương cơ bản của chúng tôi bị cắt giảm 30%” - phi công 54 tuổi người Indonesia cho biết. “Tôi không được bay vì công ty cho rằng các phi công trung tuổi như tôi dễ bị nhiễm Covid-19 hơn các phi công trẻ.”

Không bay đồng nghĩa với việc ông không kiếm được bất kỳ khoản phụ cấp và tiền thưởng nào. Khoản thu này chiếm 1/5 đến 1/2 thu nhập của tổ bay hàng tháng. Nhưng ngay cả những phi công và tiếp viên trẻ cũng bị giảm giờ bay, có thời điểm tổ bay không được cất cánh trong nhiều tuần liền.

Mặc dù vậy, cơ trưởng Muzaeni vẫn khá may mắn vì vẫn kiếm đủ tiền để nuôi gia đình, bởi ông không có khoản trả góp hay khoản vay nào, còn nhiều bạn bè ông thì có. Ông cho biết, nhiều bạn bè mình đã phải bán xe, bán nhà và chuyển về nhà bố mẹ đẻ; một số người phải bắt đầu kinh doanh đồ ăn trực tuyến để tăng thêm thu nhập.

Tình trạng khó khăn kéo dài trong suốt vài tháng đầu đại dịch khi chính phủ áp các lệnh hạn chế đi lại chặt chẽ. Dần dần, các du khách nội địa đã trở lại sau khi các quy định được nới lỏng. Đến tháng 12/2020, mức lương cơ bản của ông Muzaeni đã được khôi phục trở lại như trước đại dịch, mặc dù thời gian bay vẫn còn bị gián đoạn ảnh hưởng đến tiền thưởng và phụ cấp.

1
Cơ trưởng Dejphon Poolpun bán bánh để kiếm thêm thu nhập sau khi bị giảm 60% lương phi công

Hàng không thua lỗ nặng nề

Đại dịch đã khiến số lượng hành khách toàn thế giới sụt giảm nghiêm trọng, khu vực Đông Nam Á cũng không tránh khỏi tình trạng chung.

Năm 2019, hãng hàng không Garuda vận chuyển 15 triệu lượt khách, thu về lợi nhuận 122,4 triệu USD. Năm 2020, con số này giảm xuống thảm khốc chỉ còn 2,8 triệu lượt. Kết quả là hãng ghi nhận khoản lỗ ròng 1,07 tỷ USD. Đó là một đòn giáng mạnh đối với hãng hàng không Indonesia. Hãng đã quyết định sa thải 700 nhân viên cố định và lao động hợp đồng, cắt giảm 50% lương đối với 15.000 người khác. Garuda cũng phải thanh lý 6 công ty con của mình. Thay vì cung cấp gói cứu trợ, chính phủ Indonesia đã đồng ý mua 600 triệu USD trái phiếu mới phát hành tháng 11/2020 để bơm vốn cho hãng. Vào thời điểm đó, Garuda đã âm vốn lưu động ròng và khoản nợ phải trả vượt quá 80% tài sản.

Thai Airways còn thua lỗ lớn hơn. Dù năm 2020, hãng vận chuyển được 5,87 triệu lượt khách nhưng con số này thấp hơn 76% so với năm 2019, khiến Thai Airways lỗ ròng 4,5 tỷ USD. Hãng đã phải nộp đơn xin tái cơ cấu lên Tòa án Phá sản Trung ương vào tháng 5 năm ngoái. Trong đơn, hãng tuyên bố khoản nợ đã lên tới 11,3 tỷ USD tính đến ngày 31/3/2020, vượt quá tài sản của hãng. 

Hãng hàng không Malaysia Airlines thậm chí còn đối mặt với tình huống phức tạp hơn. Hãng đã thua lỗ trong suốt một thập kỷ và tình hình càng tồi tệ hơn sau 2 thảm kịch: Vụ mất tích bí ẩn của MH370 và vụ bắn rơi máy bay MH17 ở Ukraine vào năm 2014. Trả lời về ảnh hưởng của đại dịch đến tình hình kinh doanh, lãnh đạo Malaysia Airlines giữ kín số liệu này. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Hàng không Malaysia (MAVCOM), lưu lượng hành khách đã giảm xuống gần 0 trong quý 2 năm ngoái, đến quý 3 thì lượng hành khách chưa đến 5 triệu người.

Tái cơ cấu để tồn tại

Để tồn tại, nhiều hãng hàng không đã chọn cách cắt giảm số lượng nhân viên. Tháng 5 vừa qua, đại diện hãng hàng không Garuda Indonesia thông báo họ đang xem xét xây dựng chế độ nghỉ trước thời hạn cho các cộng tác viên. Đây được cho là giải pháp hỗ trợ tốt nhất mà hãng có thể cung cấp cho nhân viên trong bối cảnh hiện tại.

Hãng Malaysia Airlines cũng đang thực hiện một số biện pháp cắt giảm như phí như hoãn thanh toán và đàm phán lại hợp đồng với chủ nợ cũng như tái cấu trúc toàn diện. Quá trình tái cơ cấu đã giúp Malaysia Airlines giảm 15 tỷ RM nợ phải trả và 10 tỷ nợ vay, đồng thời tiết kiệm được 5,7 tỷ RM các chi phí. Ngoài ra, để tăng thêm doanh thu, Malaysia Airlines đã bắt đầu bán các sản phẩm trên các khoang hạng Business như: bộ chăn ga lông vũ, đồ ngủ, bộ dụng cụ tiện nghi, món sa tế đặc trưng của hãng cũng như món đậu phộng rang muối.

Trong khi đó, Thai Airways đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giảm chi phí và tăng doanh thu, bao gồm giảm quy mô nhân viên từ 29.000 người xuống còn khoảng 15.000 người, giảm số lượng máy bay trong đội bay và yêu cầu nhân viên nghỉ không lương để giúp công ty trụ vững. Cơ trưởng Capt Dejphon cho biết: “Vì tình hình của công ty không tốt lắm nên tôi cố gắng nghỉ phép không lương hết mức có thể, khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, như vậy đồng nghĩa là tôi sẽ mất một nửa thu nhập. Hiện giờ, tôi chỉ còn tham gia vào các khóa đào tạo mô phỏng bay.” Mặc dù vậy, ông Dejphon vẫn khá lạc quan nhận định các chuyến bay sẽ trở lại vào tháng 10, khi Thái Lan mở cửa trở lại một số khu vực để thu hút du lịch quốc tế.  Trong lúc chờ các tín hiệu lạc quan từ thị trường, Thai Airways cũng đã chủ động thiết kế lại các sản phẩm của mình để mang lại những trải nghiệm chất lượng cao với chi phí thấp hơn và tách các khoản phụ phí bổ sung để khách có thể tùy chọn mua hay không đối với các dịch vụ như hành lý ký gửi hay lựa chọn chỗ ngồi. Hãng cũng đã lên kế hoạch tối ưu hóa các đường bay của mình bằng cách cắt giảm các đường bay không có lợi nhuận, giảm 50% lao động, thay đổi hợp đồng thuê và đội tàu.

Cơ trưởng Dejphon của Thai Airways hoan nghênh những thay đổi trong văn hóa và tư duy của các hãng hàng không trong đại dịch.

“Covid-19 là thách thức những cũng là cơ hội. Nó giống như một cuộc đại phẫu buộc ngành hàng không phải tái cơ cấu lại tổ chức, xóa bỏ hệ thống cũ và mở ra một khởi đầu mới.” 

Ý kiến của bạn

Bình luận