Điểm yếu của những cường quốc dầu khí

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 27/09/2019 14:39

Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ ở Arập Xêút ngày 14-9-2019 đã tước đi một cách tàn nhẫn một nửa sản lượng dầu mỏ của vương quốc này, gây ra sự tăng giá dầu kỷ lục trên thị trường thế giới, làm lộ ra các điểm yếu của những cường quốc dầu khí thế giới.

diem-yeu-cua-nhung-cuong-quoc-dau-khi
Một kho dự trữ dầu của Saudi Aramco

Anoush Ehteshami, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Durham (Anh), nói với AFP: “Có hai bài học chính cho các công ty dầu khí thế giới sau sự kiện ở Arập Xêút. Thứ nhất, các cơ sở dầu khí, về bản chất, rất dễ bị tổn thương trước mọi loại tấn công, do tính chất dễ cháy nổ. Thứ hai, chính phủ các nước trong khu vực và các cường quốc dầu khí quốc tế bất lực khi nói đến việc bảo vệ những cơ sở sản xuất dầu của họ”.

Nhận thức được những rủi ro với các cơ sở dầu khí của mình trong khu vực thường xuyên xảy ra xung đột, Arập Xêút đang đầu tư mạnh vào các hệ thống phòng thủ và vũ khí tinh vi, như tên lửa Patriot của nhà sản xuất Mỹ Raytheon. Nhưng điều đó vẫn không đủ để tránh được cuộc tấn công vào ngày 14-9-2019, mà Mỹ cáo buộc cho Iran sử dụng tên lửa hành trình để tấn công. Ngày 15-9-2019, phiến quân Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công này. Theo những báo cáo đầu tiên, cuộc tấn công diễn ra bằng máy bay không người lái nhắm vào Nhà máy Abqaiq, nhà máy chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới và mỏ dầu Khurais của Arập Xêút.

Riyadh vẫn chưa tuyên bố về thủ phạm của cuộc tấn công vì sợ đánh thức sự leo thang quân sự giữa Iran và Mỹ, nhất là khi người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã tới Arập Xêút để thảo luận về sự đáp trả của Washington với vụ tấn công Arập Xêút.

Chính quyền Mỹ công khai cáo buộc Iran chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào Arập Xêút, nhưng những cáo buộc này chưa gay gắt vì Tổng thống Donald Trump tuyên bố ngày 16-9-2019 rằng, ông muốn tham khảo ý kiến với Riyadh về bất kỳ hành động đáp trả nào.

“Tôi hứa với bạn, chúng tôi đã sẵn sàng” - Phó tổng thống Mike Pence nói trong bài phát biểu trước Tổ chức Bảo tồn di sản ở Washington ngày 17-9. “Chúng tôi sẵn sàng đáp trả và chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của chúng tôi và các đồng minh trong khu vực. Iran dường như đứng đằng sau các cuộc tấn công này”, ông Pence thận trọng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.

Ông Pence nói thêm và nhấn mạnh: “Các cơ quan tình báo của chúng tôi đang phân tích bằng chứng tại thời điểm này. Nếu đúng Iran tiến hành cuộc tấn công này để gây áp lực buộc Tổng thống Trump phải nhượng bộ, chiến lược của họ sẽ phải chịu thất bại. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ đất nước, binh lính và đồng minh của chúng tôi ở vùng Vịnh”.

Trong cuộc họp báo ngày 17-9-2019, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arập Xêút Hoàng tử Abdel Aziz bin Salman nói rằng, Riyadh không biết ai đứng sau những hành động này. Arập Xêút đang thu thập bằng chứng theo tiêu chuẩn quốc tế trước khi quyết định. Trước đó, Arập Xêút tuyên bố rằng “vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công là của Iran”, theo bằng chứng sơ bộ từ cuộc điều tra của chính Arập Xêút. Tehran kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vụ tấn công.

Hội đồng Bộ trưởng Arập Xêút ngày 17-9-2019 đã lên án các cuộc tấn công và bảo đảm rằng Arập Xêút sẽ bảo vệ lãnh thổ và các cơ sở quan trọng của mình chống lại các hành động nhằm phá vỡ nguồn cung dầu toàn cầu. Arập Xêút có thể đáp trả các cuộc tấn công đến từ bất cứ nơi nào, Hội đồng Bộ trưởng Arập Xêút kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh hơn để ngăn chặn các cuộc tấn công kiểu này.

Các sự kiện ngày 14-9 cho thấy, trong bất kỳ trường hợp nào, theo Giáo sư Anoush Ehteshami, không có hệ thống phòng thủ nào có thể bảo vệ được các cơ sở dầu khí của Arập Xêút. Còn đối với Valérie Marcel, một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chatham House của Anh, sự kiện đó cho thấy người Arập Xêút phải xem lại công tác chuẩn bị và khả năng phản ứng của hệ thống phòng thủ của họ.

Ngoài những cuộc tấn công kiểu quân sự, các cuộc tấn công mạng là một nguy cơ khác ngày càng tăng với các cơ sở dầu khí ở các nước.

“Ngày nay, tất cả các cường quốc, thậm chí cả những cường quốc nhỏ hơn nhưng đang trong bối cảnh chiến tranh, đều thiết lập các chiến lược tấn công thông qua mạng Internet. Nguồn cung cấp năng lượng là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các chiến lược tấn công mạng”, Gerome Billois - chuyên gia an ninh mạng tại Wavestone - cho biết hồi tháng 8-2019. Nga, Trung Quốc và Mỹ đã phát triển các khả năng tấn công mạng, nhưng những quốc gia nhỏ hơn như Triều Tiên hoặc Iran, cũng có thể hành động trực tiếp hoặc thông qua các nhóm tội phạm.

Cuộc tấn công gây sốc đối với các cơ sở sản xuất dầu của Arập Xêút, nhà xuất khẩu vàng đen lớn nhất thế giới, cũng đặt ra câu hỏi về dự trữ dầu mỏ toàn cầu, trước đây được coi là dư thừa. Nếu Chính phủ Arập Xêút muốn trấn an thiên hạ khi tuyên bố đã khôi phục “một nửa sản lượng bị mất” và phần còn lại sẽ hồi phục nốt vào cuối tháng 9-2019, thì các cuộc tấn công vừa qua có thể đặt ra vấn đề an toàn về nguồn cung dầu và lượng dự trữ lớn của Arập Xêút.

Theo Valérie Marcel, biên độ an toàn của lượng dự trữ dầu thế giới dường như không được rộng như người ta tưởng, bởi vì trong trường hợp có sự xáo trộn lớn, dự trữ dầu của Arập Xêút sẽ bị giảm, mọi khả năng dự trữ khác sẽ được huy động. Trước mắt, Chính phủ Arập Xêút và Mỹ lập luận rằng, thị trường dầu mỏ thế giới hiện được cung cấp tốt, Mỹ có thể mở kho dầu dự trữ để bù đắp cho phần thiếu hụt của Arập Xêút.

Dự trữ dầu chiến lược ở Mỹ đã được tạo ra chủ yếu để xử lý loại tình huống này, ngăn chặn Mỹ một lần nữa trải qua sự tăng giá như trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Giáo sư Anoush Ehteshami nói rằng, những kho dự trữ chiến lược ở cả Mỹ và Arập Xêút đều được bảo vệ an toàn. Nhưng lỗ hổng là ở các giàn khoan, nhà máy lọc dầu và các cơ sở hạ tầng dầu khí khác.

Theo Harry Tchilinguirian, một nhà phân tích tại Ngân hàng BNP Paribas của Pháp, sau những sự kiện gần đây, thị trường dầu khí thế giới nên tăng phí bảo hiểm rủi ro đối với giá dầu, do lỗ hổng của chuỗi cung ứng Arập Xêút và nguy cơ một cuộc tấn công tương tự sẽ được lặp lại. Bằng chứng là ngày 16-9-2019, lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen cho biết, các nhà máy sản xuất dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Aramco của Arập Xêút vẫn là mục tiêu tấn công và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Ngày 16-9-2019, trả lời câu hỏi về việc hỗ trợ cho Arập Xêút sau khi bị các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ, Tổng thống Nga đã đề xuất Arập Xêút mua các hệ thống tên lửa S-300 hoặc S-400 của Nga để bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng.

“Liên quan đến viện trợ cho Arập Xêút để bảo vệ người dân và đất nước của họ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp phù hợp cho vương quốc này, chỉ cần giới chức chính trị Arập Xêút chấp nhận. Nhà cầm quyền Ryad chỉ cần đưa ra một quyết định khôn ngoan như quyết định của các nhà lãnh đạo Iran mua hệ thống S-300 của Nga, hoặc như quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mua hệ thống S-400 tối tân của Nga trước đây. Những vũ khí này sẽ bảo vệ an toàn bất kỳ cơ sở hạ tầng nào của Arập Xêút”, Tổng thống Putin khẳng định. Trước câu hỏi hệ thống nào trong số 2 hệ thống tên lửa trên tốt nhất để mua, ông Putin trả lời: “Hãy để họ chọn!”.

Ý kiến của bạn

Bình luận